Việt Nam cần làm gì để cân bằng tỷ lệ sinh từ các kinh nghiệm quốc tế?

Để giải quyết bài toán cân bằng tỷ lệ sinh, Việt Nam cần đưa ra các "kịch bản" phù hợp dựa trên kinh nghiệm quốc tế

Báo động tỷ lệ sinh thấp đáng lo ngại trên cả nước

Giải pháp nào để tăng tỷ lệ sinh đã được các nước áp dụng?

Tỷ lệ sinh sản tại châu Á giảm mạnh

Tỷ lệ sinh ở Italy giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế

Nhằm tăng tỷ lệ sinh để giảm dần tình trạng già hóa dân số gây sức ép lên nền kinh tế trong tương lai, nhiều nước phát triển ở châu Á và châu Âu đã triển khai hàng loạt biện pháp mang tính chiến lược, cả cấp bách lẫn lâu dài, để cải thiện thực trạng này. Điển hình, Trung Quốc sử dụng các biện pháp để hướng đến khuyến khích sinh thêm con thứ 3, Nhật Bản và Hàn Quốc lại đánh trực tiếp vào vấn đề kinh tế - tăng cường hỗ trợ tài chính cho các gia đình sinh con bằng các chương trình khuyến sinh hàng tỷ USD, và đại diện ở châu Âu là Italia áp dụng biện pháp cải thiện các chính sách trợ cấp thai sản (cả tiền mặt và thời gian nghỉ sinh) và hỗ trợ nuôi con đến tuổi 18.

Từ các kinh nghiệm quốc tế đó, cùng với thực tế của bức tranh mức sinh nhiều "mảng màu" không đồng đều ở các tỉnh thành tại Việt Nam, chúng ta cần có những chính sách linh hoạt hơn, cần nhiều "kịch bản" về dân số cho các vùng cụ thể. Từng địa phương khác nhau cần có những chính sách và giải pháp phù hợp thực tiễn trong điều chỉnh mức sinh, để từ đó dần cân bằng tỷ lệ sinh đồng đều giữa các vùng miền và duy trì mức sinh thay thế, nhằm đạt mục tiêu dân số phát triển bền vững.

Giảm tỷ suất sinh ở các tỉnh thành có tỷ lệ sinh cao và rất cao về mức sinh thay thế

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê cuối 2022, cả nước hiện có 12 tỉnh thuộc nhóm có mức sinh rất cao, từ 2,5 con/phụ nữ trở lên và đây chủ yếu là các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn. Điều này dẫn đến thực tế là chất lượng sống ở các địa phương này là rất thấp và từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dân số nói chung.

Theo ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ), việc tiếp tục giảm tỷ lệ sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao sẽ tránh được các tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục….

Đối với các tỉnh này, cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động giảm sinh nhằm đạt mức sinh thay thế là 2,1. Một số biện pháp đã và đang áp dụng trước đây cần tiếp tục phát huy và đẩy mạnh tại 12 tỉnh này gồm:

  • Tập trung các giải pháp để giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động mỗi gia đình dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con cho tốt, giải tỏa tâm lý định kiến giới. Đặc biệt, công tác truyền thông nên tập trung ưu tiên ở những địa bàn là vùng có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba cao.
  • Áp dụng những biện pháp đủ mạnh để xử lý những người vi phạm chính sách DS - KHHGĐ, đồng thời tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra ở các cấp về vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế ngoài công lập.
  • Chi cục DS - KHHGĐ tại địa phương tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền, chú trọng loại hình tư vấn, đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, đồng thời đẩy mạnh cung ứng các dụng cụ tránh thai. Mặt khác, Ban chỉ đạo DS - KHHGĐ các quận, huyện, thị xã cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với những xã, phường, thị trấn có tỷ lệ sinh con thứ ba ở mức cao để kịp thời có những chỉ đạo hiệu quả.

Duy trì tỷ lệ sinh ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế

Trong 63 tỉnh thành cả nước, Việt Nam chỉ có 9 tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con). Đối với các địa phương này, cần duy trì tỷ lệ "vàng" này ở mức ổn định.

Theo TS. Ngô Quỳnh An - Bộ môn Dân số và Phát triển, Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, đối với những nơi có mức sinh hiện tại đã đạt mức sinh thay thế hoặc chỉ ở mức thấp vừa phải, việc thực hiện các chính sách để duy trì tỷ lệ sinh quanh mức hiện tại là cần thiết. Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng nêu rõ, cần duy trì bền vững mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con nhằm đảm bảo ổn định quy mô và chất lượng dân số.

Nguồn ảnh: VTV

Nguồn ảnh: VTV

Khuyến khích tăng sinh tại những vùng có tỷ suất sinh thấp

Để khuyến khích phụ nữ tại các địa phương có tỷ suất sinh thấp sinh đủ 2 con, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 10/3/2021) về hướng dẫn địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.

Bộ Y tế đề nghị, UBND 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp tùy tình hình kinh tế - xã hội, quyết định mức khen thưởng, hỗ trợ cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đưa vào dự thảo Luật Dân số (đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi) nhiều đề xuất chính sách khuyến khích phụ nữ tại các vùng có mức sinh thấp sinh đủ 2 con, như: Nhà nước sẽ hỗ trợ 1 lần bằng tiền ít nhất tương đương 1 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương 2 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai (mức lương tối thiểu vùng ở Nam Bộ hiện khoảng 3,2 - 4,6 triệu đồng/tháng).

Cũng theo dự thảo, cặp vợ chồng cam kết sinh đủ 2 con được Nhà nước hỗ trợ cho trẻ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập. Cặp vợ chồng sinh đủ 2 con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội,…

 
Ngọc Linh (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kiến thức sống khỏe