PGS.TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
“Thuật ngữ Dược học Anh - Việt” của PGS.TS Lê Văn Truyền đến tay sinh viên trường Dược
Nhận diện một số vấn đề của ngành Dược qua khủng hoảng dịch COVID-19
Việt Nam lần đầu tiên có Ngân hàng dữ liệu ngành Dược
Giải pháp nào cho sự phát triển của ngành dược liệu?
Ngày 9/3, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn CEO "Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất dược" với sự có mặt của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, cùng đi tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược.
Một trong những bài tham luận thu hút được nhiều sự chú ý là chia sẻ của PGS.TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng lý lưu hành thuốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông đã phân tích những thách thức của ngành công nghiệp dược thế giới, đặt ra nhiều câu hỏi then chốt cho các doanh nghiệp, CEO ngành dược có mặt tại diễn đàn.
7 thách thức lớn nhất của công nghiệp dược thế giới
PGS.TS Lê Văn Truyền chỉ ra những thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp dược thế giới đang phải đối mặt. Đây là những khó khăn bao trùm cả ngành sản xuất thực phẩm chức năng và sản phẩm dược liệu, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19.
Thứ nhất, đại dịch gây ra đứt gãy hệ thống cung ứng toàn cầu, lâu nay vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp API (Active Pharmaceutical Ingredient - thành phần hoạt tính/hoạt chất có trong thuốc, là nguyên liệu dược phẩm chính) từ Ấn Độ, Trung Quốc. Ngoài ra, hệ thống hậu cần logistics cũng bị đình trệ, hệ thống bệnh viện quá tải.
Thứ hai, áp lực của quá trình chuyển đổi số khiến doanh nghiệp bỏ ra nhiều chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, bài toán ở đây là phải đầu tư ra sao để thu về nhiều lợi nhuận nhất.
Thứ ba, ngành sản xuất dược ngày càng cần nhân viên có trình độ cao cả về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.
Thứ tư, ngành sản xuất dược thế giới gặp thách thức trong tiếp cận với chuyên gia y tế trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ điều trị, phòng bệnh, cơ quan bảo hiểm y tế.
PGS.TS Lê Văn Truyền nhận định: "Ngành dược phải tham gia với cơ quan quản lý và cơ quan cung cấp dịch vụ y tế để giải quyết các vấn đề sức khỏe". Trên thế giới, các doanh nghiệp dược đã thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường, từ "quảng bá" cho sản phẩm doanh nghiệp có, tới hỗ trợ cơ quan nhà nước kiểm soát dịch bệnh và chủ động cung cấp dịch vụ y tế. Theo ông, đây là điểm mà ngành dược trong nước, cũng như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh tật có thể học hỏi.
Thứ năm, cùng với quá trình chuyển đổi số, ngành dược đã thu thập được nguồn dữ liệu lớn (big data). Bài toán hiện tại là làm thế nào để xử lý, phân tích nguồn dữ liệu đó để hỗ trợ cho việc ra quyết định.
Thứ sáu, ngành sản xuất dược có yêu cầu ngày càng cao về sự minh bạch thông tin, quy chế quản lý, hồ sơ đăng ký, dữ liệu nghiên cứu… Các tổ chức lớn cũng yêu cầu quy chế về toàn vẹn/trung thực dữ liệu trong tất cả các khâu từ thí nghiệm đến sản xuất, phân phối.
PGS.TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh, doanh nghiệp dược Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trên chính "sân nhà", cũng như trên thị trường quốc tế cần đặc biệt quan tâm đến hồ sơ đăng ký sản phẩm, tuân thủ tiêu chí mà các tổ chức quản lý yêu cầu.
Cũng tại diễn đàn, ThS.DS Nguyễn Diệu Hà - Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho hay, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong ngành dược chưa cao, đa số các doanh nghiệp chỉ đầu tư dưới 5% doanh thu.
Thứ bảy, các quốc gia trên thế giới đang tích cực "đổ tiền" cho nghiên cứu và phát triển (hay Research and Development, R&D) cho ngành dược. Kéo theo đó là nhu cầu nhân lực cho ngành dược tăng lên rất nhanh.
Ngành dược Việt Nam cần thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cho sự phát triển của ngành sản xuất dược cũng như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Với tốc độ tăng trưởng GDP đứng thứ 3 Đông Nam Á, người Việt Nam ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho thuốc.
Ngoài ra, nước ta cũng có cơ sở chính sách rõ ràng để phát triển ngành dược. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu "phát triển ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới".
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Văn Truyền, điều đáng buồn là trong 2 năm qua, nước ta chưa có vaccine COVID-19 nội địa nào được phê duyệt. Ngoài những khó khăn chung của ngành dược thế giới, các doanh nghiệp sản xuất dược Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn đặc thù.
Một nhận định của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates về ngành dược Việt Nam là: "Đa số các nhà cung cấp dược phẩm trong nước thiếu các nguồn lực để khai thác thị trường nội địa." Nhận diện được những thách thức này giúp các doanh nghiệp có động lực và đường hướng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế:
Thứ nhất, về cơ sở vật chất kỹ thuật: Số lượng nhà sản xuất đạt chuẩn Thực hành sản xuất tốt tiên tiến còn thấp (tiêu chuẩn EU-GMP của Liên minh châu Âu hay PIC/S của Công ước về Thanh tra Dược và Chương trình Hợp tác Thanh tra). Hơn 200 nhà máy còn lại đạt WHO-GMP của Tổ chức Y tế Thế giới, nhưng hầu như không được tiền thẩm định. Trong khi đó, không nhìn đâu xa, trong khu vực Đông Nam Á đã có nhiều quốc gia tham gia PIC/S từ sớm như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Thứ hai, về năng lực sản xuất, R&D và thử nghiệm: Năng lực sản xuất và R&D hiện đang phân tán hạn chế trong từng doanh nghiệp. Nước ta còn thiếu các trung tâm thử nghiệm lâm sàng mạnh, tầm cỡ và đạt trình độ quốc tế. Đồng thời, chưa có các khu công nghiệp riêng cho ngành sản xuất dược với một hệ sinh thái bao gồm: Trung tâm R&D, thử nghiệm lâm sàng, kiểm nghiệm, nhà sản xuất dược phẩm, bao bì, xử lý nước thải và rác thải.
Thứ ba, năng lực tài chính còn hạn chế, đa số các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chứ chứa chưa hình thành tập đoàn dược phẩm quy mô quốc gia,
Thuốc tương tự sinh học hay biosimilar là thuốc có cấu trúc và chức năng tương tự với một thuốc sinh học. Thuốc sinh học (hay còn gọi là sinh phẩm) là thuốc có bản chất là protein hoặc đoạn protein (tự nhiên hoặc tổng hợp). Không giống các loại thuốc khác, thuốc sinh học được sản xuất từ các vật thể sống như nấm men, vi khuẩn hay các tế bào động vật.
Thứ tư, cấu trúc thị trường dược phẩm đang có sự chuyển dịch: Xu hướng thuốc sinh học và thuốc sinh học tương tự (biosimilar medicine) sẽ chiếm thị phần lớn. Tuy nhiên, thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược) vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong các sản phẩm dược sản xuất trong nước. PGS.TS Lê Văn Truyền cho biết, Việt Nam mới chỉ có Công ty NANOGEN Pharma sản xuất thuốc sinh học tương tự.
Ngoài ra, ngành dược cũng cần năng cao khả năng đáp ứng mô hình bệnh tật đang chuyển đổi của đất nước trong thời đại phát triển. Ngay từ sớm, các doanh nghiệp cần xác định nhu cầu sản phẩm của thị trường dược phẩm Việt Nam 2020-2030 hướng đến 2045 khi nước ta trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.
Thứ năm, các doanh nghiệp sản xuất dược trong nước cần cải thiện năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ: Từ cơ sở vật chất kỹ thuật, đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần tiếp nhận và tuân thủ hệ thống quy chế của các cơ quan quản lý dược một cách chặt chẽ.
Thứ sáu, PGS.TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh các doanh nghiệp cần hiểu đúng về chuyển đổi số trong công nghiệp dược. Chuyển đổi số không phải phong trào, mà cần cân nhắc giữa chi phí – hiệu quả để chuyển đổi tối ưu.
Thứ bảy, chiến lược phát triển ngành dược trong nước đã được đưa ra tại Quyết định số 376 QĐ/TTg phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2040”. PGS.TS Lê Văn Truyền cho rằng, xây dựng chiến lược trung hạn (5 năm), dài hạn (10 năm) là nhiệm vụ của từng doanh nghiệp.
Thay vì đưa ra lời giải cụ thể, PGS.TS Lê Văn Truyền đã gợi mở vấn đề cốt lõi mà từ đó, các doanh nghiệp cần tự đi tìm câu trả lời. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp dược, mỗi công ty cần soát xét, điều chỉnh chiến lược phù hợp với đường lối của Nhà nước, môi trường kinh doanh quốc tế, khu vực và trong nước. Mọi thay đổi phải được quyết định từ cấp cao nhất của doanh nghiệp, và doanh nghiệp cần vượt qua lực cản để đưa ra sự thay đổi tích cực.
Bình luận của bạn