Người Việt dễ mắc bệnh ung thư nào?

Với quan điểm này, việc xây dựng một Chương trình Quốc gia Tầm soát ung thư sớm sẽ giúp giảm số lượng bệnh nhân tử vong do ung thư tại Việt Nam.

Việt Nam: tỷ lệ ung thư cao

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ ung thư cao. Hiện, cả nước có từ 240.000 - 250.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư gan, phổi, dạ dày, trực tràng, vú, buồng trứng, cổ tử cung.


Tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam tăng cao trong vài năm gần đây

Kết quả khảo sát năm 2011 cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Philipines... Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ ung thư gan khá cao: 40 - 50 người/100.000 dân, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã giải quyết được vấn đề này thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng và tầm soát sớm bệnh trên toàn quốc. Với căn bệnh ung thư vú, tỷ lệ người mắc bệnh tại Hà Nội và TP.HCM khá cao, khoảng 20 người/100.000 dân, tương đương với tỷ lệ người mắc bệnh ung thư gan, phổi, trực tràng, cổ tử cung của Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư được các chuyên gia y tế chia sẻ trong hội thảo lần này vẫn xoay quanh những nguyên nhân đã được các chuyên gia y tế và các chương trình hành động quốc gia phòng chống bệnh ung thư hướng tới như di truyền (yếu tố không thể tác động được), sự thay đổi trong lối sống, môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại... Theo bác sỹ Bertrand Farnault, Trưởng Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng, nguyên nhân cần nhấn mạnh hiện nay là sự ô nhiễm môi trường, nguồn nước, các hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại. Chia sẻ này cũng là kết quả nghiên cứu của Viên nghiên cứu Phòng chống ung thư Việt Nam năm 2011, và cũng là những nghiên cứu riêng của bác sỹ Bertrand Farnault trong nhiều năm hợp tác, làm việc tại Bệnh viện K.


Đa phần người bệnh phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn

Chương trình Quốc gia tầm soát ung thư sớm

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Võ Kim Điền, Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, phòng ngừa và phát hiện sớm những căn bệnh ung thư nguy hiểm là phương pháp hữu hiệu nhất để mỗi người tự chăm sóc sức khỏe bản thân và tinh thần. Phòng ngừa cũng chia làm 3 giai đoạn. Trước hết là tránh tiếp xúc đến mức tối đa với các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đồng thời tự nâng cao sức đề kháng bản thân. Thứ hai là tầm soát sớm những dấu hiệu của bệnh để được điều trị/điều trị tiệt căn kịp thời. Thứ ba là ngăn ngừa tái phát/di căn sau điều trị.

Đồng tình với quan điểm này, bác sỹ Bertrand Farnault cũng khẳng định “Tầm soát sớm ung thư không thể phòng ngừa 100% căn bệnh nguy hiểm tiến triển âm thầm này. Nhưng, việc phòng ngừa, điều trị sớm sẽ giúp phát huy những giá trị của điều trị, đồng thời có thể điều trị khỏi một số dạng ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung…”. Bác sỹ Bertrand Farnault cũng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tầm soát ung thư trong cộng đồng của Pháp và các nước Châu Âu trong nhiều năm qua. Thực tế, sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng với các cơ quan chức năng đã giúp nhiều quốc gia Châu Âu giảm 2/3 số bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những căn bệnh ung thư có thể phát hiện sớm và điều trị tiệt căn như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng...

Hội nghị Ung thư nội khoa Châu Âu 2013 được tổ chức hồi đầu năm nay đã khẳng định rõ hơn kết quả của 10 năm thực hiện Chương trình tầm soát ung thư trong cộng đồng của Châu Âu. Trong vòng 10 năm, các tổ chức y tế, cơ quan chức năng của các quốc gia Châu Âu đã xây dựng chương trình, tuyên truyền, vận động người dân tham gia các chương trình tầm soát sớm ung thư cũng như xây dựng một đội ngũ bác sỹ tư vấn bám sát cộng đồng để giúp người dân hiểu về sự bình thường, bất thường của cơ thể; những bệnh có nguy cơ mắc phải... Sau 10 năm, đã có những thành tựu đáng kể đạt được. Ví dụ, với căn bệnh ung thư vú, phụ nữ 50 tuổi trở lên được chụp nhũ ảnh hàng năm, người trên 30 tuổi được khám/chụp nhũ ảnh 3 năm/lần để phát hiện những bất thường ở tuyến vú. Với ung thư trực tràng, 73% nam giới và 82% nữ giới ở các nước Châu Âu đã được tầm soát nguy cơ mắc bệnh và có hướng điều trị kịp thời.


Tầm soát bệnh sớm giúp giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh

Ngay kể cả với ung thư phổi – căn bệnh ung thư nguy hiểm, chỉ phát khi đã ở vào giai đoạn cuối – việc tầm soát sớm đã giúp người bệnh được điều trị ổn định bệnh và kéo dài sự sống. Hiện nay, tại Mỹ và Châu Âu đang có 2 nghiên cứu được thực hiện tại các trung tâm điều trị ung bướu nhằm đánh giá hiệu quả việc tầm soát ung thư phổi trong cộng đồng. Theo đó, những người nghiện thuốc lá sẽ được chụp CT phổi liều thấp hàng năm. Dù chưa có kể quả chính thức, nhưng các chuyên gia y tế rất hy vọng sẽ giảm được tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây nên.

Kết

Hiện nay, Việt Nam đã có Chương trình Quốc gia phòng chống ung thư nhằm phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này và tuyên truyền cho người dân hiểu về ung thư. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia y tế, hoạt động của Chương trình chưa thực sự hiệu quả, khi mà tỷ lệ người dân mắc các bệnh ung thư vẫn cao, tỷ lệ tử vong với những bệnh ung thư có thể phòng ngừa và điều trị khỏi vẫn chưa giảm. Nguyên nhân do đâu? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan y tế.

Tuy nhiên, xin lấy kinh nghiệm của các quốc gia Châu Âu trong quá trình xây dựng Chương trình Quốc gia tầm soát sớm ung thư: Để thực hiện tốt những biện pháp phòng ngừa cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, cũng như sự bắt tay ngay lập tức của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng chương trình tầm soát trên toàn quốc. Nhưng, trước hết, mỗi người dân nên tự mình nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Các dấu hiệu báo động của ung thư:
- Vết loét lâu liền.
- Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ.
- Chậm tiêu, khó nuốt.
- Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu.
- Có khối u ở vú hay ở trên cơ thể.
- Hạch to lên không bình thường.
- Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo.
- Ù tai, nhìn đôi.
- Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân.

Khi có các dấu hiệu nêu trên, không có nghĩa là đã mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên nếu có bất kỳ một trong các dấu hiệu đó, mỗi người cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để được khám, điều trị và được nhận những lời khuyên thiết thực.

(Tư vấn của GS.TS Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K)

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư