Bệnh dịch hạch có nguy cơ lan rộng

Trong 3 tháng bệnh dịch hạch đã làm 40 người tử vong

Cảnh giác dịch hạch

Chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch

WHO cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch hạch

Tử vong vì dịch hạch do tiếp xúc với chó bị ốm

Phát hiện dịch hạch thể phổi ở Trung Quốc

Trung Quốc: Cách ly thị trấn 30.000 dân vì dịch hạch

Dịch bệnh nguy hiểm

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm A do trực khuẩn Yersinia pestis gây nên, bệnh tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Theo WHO, hiện mỗi năm trên thế giới vẫn có khoảng từ 1.000 đến 2.000 ca nhiễm dịch hạch, tập trung ở các thị trấn nhỏ, hẻo lánh.

Triệu chứng của bệnh dịch hạch khởi phát bệnh đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng: nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch. Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó, hạch mềm hoá mủ. Từ thể hạch có thể tiến triển thành thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát. 

Nếu không được điều trị sớm và tích cực, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với biểu hiện: sốt cao 40 - 41 độ C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, bệnh nhân bị vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường tử vong trong vòng 3 - 5 ngày.

Dịch hạch thể phổi rất nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có triệu chứng ở phổi cho đến ngày cuối cùng của bệnh, đờm loãng, có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da với động vật mang nguồn bệnh hoặc thông qua nước bọt của người bệnh khi ho.

Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét.

Cảnh báo nguy cơ lây lan vào Việt Nam

Theo thông tin chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/11/2014, Bộ Y tế Madagascar đã thông báo WHO bùng phát dịch bệnh dịch hạch tại quốc gia này. Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ngày 31/8/2014 và tử vong ngày 03/9/2014. Tính đến ngày 16/11/2014, tại nước này đã ghi nhận tổng cộng 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Trong số các trường hợp mắc, chỉ có 2% là dịch hạch thể phổi. 

Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 16 quận thuộc 7 khu vực của Madagascar. Tại Thủ đô của quốc gia này cũng đã ghi nhận 02 trường hợp dịch hạch, trong đó có 01 trường hợp tử vong. Tại Madagascar, có nhiều nguy cơ làm dịch bệnh dịch hạch lây lan rộng như: mật độ dân số cao, hệ thống y tế yếu kém. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn do véc tơ truyền bệnh dịch hạch là bọ chét đã kháng với deltamethrin ở mức độ cao.

 Nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là rất lớn.

Để chủ động phòng chống bệnh dịch hạch, không để bệnh lan truyền vào Việt Nam, ngày 24/11, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã gửi văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát bệnh dịch hạch.

Theo ông Trần Đắc Phu, dù 12 năm trở lại đây, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc, nhưng nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là rất lớn.

Chủ động phòng chống

Để đảm bảo bệnh dịch hạch không tràn vào Việt Nam, Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh chủ động giám sát căn bệnh này.Kiểm tra, giám sát dịch hạch trên động vật hoang dã, tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) tại vùng có nguy cơ.

Phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ y tế đối với người, kiểm tra phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh từ vùng đang lưu hành bệnh dịch hạch tại cửa khẩu, khu vực biên giới.

Truyền thông cho cộng đồng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo thực phẩm ăn, uống được che, đậy an toàn..., tránh để chuột, bọ chét tiếp xúc, thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét hiệu quả. Trường hợp người dân phát hiện thấy có dấu hiệu nhiều chuột chết khả nghi dịch hạch, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất. Nếu có người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch...) phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Chủ động, sẵn sàng trang thiết bị, thuốc điều trị, hóa chất, phương tiện, nhân lực phục vụ công tác phòng chống dịch.

Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh là bệnh nhân bỗng nổi hạch và đau đớn. Nhiều trường hợp, đặc biệt trong nhiễm trùng huyết và viêm phổi, không có dấu hiệu rõ ràng. Khi đó, việc chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm mẫu bệnh phẩm như máu hay dịch từ hạch bạch huyết. Nếu xác định chính xác là dịch hạch, bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức.

Bệnh dịch hạch vô cùng nguy hiểm nhưng có thể chữa được bằng các kháng sinh thông thường và sẵn có. Phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cơ hội hồi phục hoàn toàn. Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân bị dịch hạch thể phổi cần được theo dõi và cách ly. Điều trị kháng sinh dự phòng với những người này có thể cần thiết, tùy thuộc vào từng thể bệnh và thời gian tiếp xúc với người bệnh. 
Lưu Ngọc (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn