Cảnh giác dịch hạch

Bọ chét là vật trung gian lây truyền bệnh

Chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch

Tử vong vì dịch hạch do tiếp xúc với chó bị ốm

Trung Quốc: Cách ly thị trấn 30.000 dân vì dịch hạch

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do vi khuẩn yersinia pestis gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu từ động vật gặm nhấm (chuột, thỏ...) sang người qua vật trung gian là bọ chét. Đến nay, thế giới đã xảy ra ba đại dịch và số người chết vì bệnh này lên tới hàng trăm triệu.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, những năm 1980, tỷ lệ người Việt Nam mắc dịch hạch cao nhất thế giới và giảm dần sau đó. Năm 2002, chỉ có 2 trường hợp mắc bệnh. Và từ đó đến nay, không có ghi nhận ca bệnh dịch hạch nào trên cả nước.

Bộ Y tế hôm 24/11 đã đưa ra cảnh báo, căn bệnh nguy hiểm này có thể xâm nhập vào Việt Nam sau khi đã quét qua Madagasca khiến hơn 100 người nhiễm, 40 người tử vong. Tại Mỹ và Trung Quốc trước đó cũng có ghi nhận những ca tử vong do dịch hạch. Cục Y tế dự phòng cũng đã phát đi những thông điệp đề nghị người dân nên cảnh giác trước những triệu chứng của dịch hành và phòng ngừa sớm căn bệnh này.

Phòng ngừa sớm với các triệu chứng

Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh là bệnh nhân bỗng nổi hạch và đau đớn. Nhiều trường hợp, đặc biệt trong nhiễm trùng huyết và viêm phổi, không có dấu hiệu rõ ràng. Khi đó, việc chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm mẫu bệnh phẩm như máu hay dịch từ hạch bạch huyết. Nếu xác định chính xác là dịch hạch, bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức.

Theo Cục Y tế dự phòng, có 4 thể dịch hạch: Thể hạch, thể phổi, thể màng não, thể nhiễm trùng huyết, trong đó thường gặp nhất là thể hạch, chiếm 94 - 98% tại Việt Nam trước đây. Mỗi thể có những triệu chứng nhận biết khác nhau, mức độ nặng tăng dần theo từng thể.

Nguồn lây nhiễm dịch hạch chính theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng

Thể hạch có các triệu chứng như rét run, sốt cao trên 38 độ C, nổi hạch ở bẹn, nách, cổ. Nếu không được điều trị, dịch hạch thể hạch sẽ diễn chuyển thành các thể còn lại nặng hơn.

Đáng sợ nhất là thể phổi. Bệnh thể này tiến triển nhanh và nguy cơ lây lan cao. Bệnh nhân có các triệu chứng: Sốt cao, rét run, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, bứt rứt… Sau khoảng 24 giờ có những triệu chứng đầu tiên, người bệnh có các triệu chứng đau tức ngực, khó thở, thở nhanh nông; Ho có đờm nhầy và loãng, sau đặc dần, có máu hoặc có nước bọt… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh tử vong nhanh.
Số bệnh nhân mắc thể nhiễm trùng huyết cao, chỉ đứng sau thể hạch. Bệnh nhân có các triệu chứng: Sốt cao trên 40oC, rét run, đau đầu dữ dội, tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần. Bệnh nhân hốt hoảng, vật vã, kích động, nói sảng, thở nhanh nông… Cũng giống như thể phổi, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh nhân dễ dàng tử vong.

Vi khuẩn Yersinia Pestis gây dịch hạch
Dịch hạch thể màng não ít gặp, thường xuất hiện kèm sau thể hạch, thể nhiễm trùng huyết.

Trong khi đó, con đường lây truyền căn bệnh này khó có thể kiểm soát hoàn toàn tại Việt Nam. Bọ chét được xác định là vật trung gian gây bệnh. Bọ chét hút máu vật chủ mang bệnh (bọ, chuột, thỏ...) rồi căn người. Hoặc người bị truyền trực tiếp vi khuẩn từ động vật nhiễm bệnh qua da trầy xước hoặc bị động vật mang bệnh cào, cắn. Một phương thức lây truyền nữa làn người hít trực tiếp vi khuẩn từ không khí.

Phòng ngừa thế nào?

Bệnh dịch hạch vô cùng nguy hiểm nhưng có thể chữa được bằng các kháng sinh thông thường và sẵn có. Phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cơ hội hồi phục hoàn toàn. Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân bị dịch hạch thể phổi cần được theo dõi và cách ly. Điều trị kháng sinh dự phòng với những người này có thể cần thiết, tùy thuộc vào từng thể bệnh và thời gian tiếp xúc với người bệnh.

Hình ảnh "cái chết đen" được miêu tả trong những đợt dịch trước đó tại Châu Âu

Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, để phòng bệnh cần lưu ý:
- Vệ sinh môi trường, cải thiện nhà cửa, kho bãi nơi làm việc, cất giữ lương thực cho người, gia súc kín đáo, để chuột và các loài gặm nhấm không có nguồn thực phẩm và môi trường thuận lợi để sống, sinh sôi.
- Đeo găng tay khi xử lý động vật chết để tránh tiếp xúc da với vi khuẩn dịch hạch (nếu có). 
- Dùng thuốc chống, diệt côn trùng nếu nghĩ mình có thể đã tiếp xúc với bọ chét qua các hoạt động như cắm trại, trú ẩn hay làm việc ngoài trời. Những sản phẩm chứa DEET thoa lên da, quần áo, các sản phẩm chứa permethrin chỉ bôi ngoài trang phục (theo hướng dẫn sử dụng ngoài nhãn).
- Tránh cho các vật nuôi khỏi bọ chét bằng cách dùng thuốc diệt bọ chét. Chó, mèo... thả rông có nhiều khả năng tiếp xúc với chuột bị dịch hạch hay bọ chét và có thể mang bệnh về nhà. Nếu vật nuôi bị ốm, nên đưa đến bác sĩ thú y ngay. Ngoài ra, không cho chó, mèo hoang vào nhà, nhất là ngủ trên giường.
- Diệt chuột, bọ chét (đặt bẫy, phun thuốc, nuôi mèo, rắn, chim để bắt chuột...).
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người dân cần nâng cao cảnh giác, đi khám và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có biểu hiện của bệnh dịch hạch.
Khánh Hạ (H+, tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm