Nhà nước nên mở cơ chế để bên thứ 3 cung cấp dịch vụ chứng nhận

Nhà nước nên mở cơ chế để bên thứ 3 cung cấp dịch vụ chứng nhận

Dẫn chứng vụ tiêu cực làm giả giấy tờ, ký khống giấy phép lưu hành cho 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản diễn ra tại Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (gọi tắt trung tâm), trực thuộc Tổng cục Thủy sản, 1 chuyên gia xin được giấu tên cho rằng, nếu hành vi của trung tâm này không quá trắng trợn thì dư luận chưa chắc đã lôi được vụ việc ra ánh sáng. Điều quan trọng là hành vi này đã diễn ra được bao lâu? Phải chăng vì cơ quan chức năng vừa cấp giấy, xong lại đi hậu kiểm cái giấy đó nên mới khó lòi sai phạm?

Đại diện VCCI cho rằng, nghi vấn ấy hoàn toàn có cơ sở. Tại nhiều nước, bên thứ 3 – doanh nghiệp chứng nhận (do cơ quan nhà nước thẩm định đủ điều kiện) sẽ cấp chứng nhận cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý chịu trách nhiệm giám sát và hậu kiểm. Thêm 1 khâu như thế, nguy cơ xảy ra tiêu cực sẽ giảm bớt. Quan trọng là điều kiện cho doanh nghiệp chứng nhận được phép sẽ đủ chặt chẽ và có cơ chế hậu kiểm để hạn chế tiêu cực.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Chúng ta đang không thể cải cách, thu gọn biên chế được vì việc gì nhà nước cũng muốn làm. Đã đến lúc nhà nước nên bỏ tất cả các dịch vụ gì mà nhà nước không cần trực tiếp tổ chức và thực hiện cung cấp dịch vụ. Nhà nước và doanh nghiệp có thể mua dịch vụ đó ở ngoài. Qua đó vừa tiết kiệm chi phí, vừa minh bạch”.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam thì nhận định: “Đến bây giờ chúng ta còn tồn tại tới gần 7 nghìn giấy phép con. Đây đều là những giấy phép trái luật vì chúng ta đã có quy định không công nhận những giấy phép nằm ở Thông tư nữa. Có một thực trạng là một bộ phận cán bộ công chức đang dựa vào những giấy phép con này mà tôi gọi là quy định “giời ơi” chả đúng với quy luật phát triển để “đánh úp”, làm phiền doanh nghiệp rất nhiều”

“Doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì xin phép  cơ quan quản lý. Mà thử hỏi có 7 nghìn giấy phép thì doanh nghiệp “chạy đâu cho khỏi nắng”. Rồi chính cơ quan quản lý ấy cấp giấy phép lưu hành sản phẩm hoặc phê duyệt danh mục sản phẩm. Tiếp đến là cơ quan quản lý ấy lại cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn này nọ cho sản phẩm/dịch vụ… Cả 1 vòng tròn khép kín như thế hỏi sao doanh nghiệp không cố mà “bôi trơn” tốt cho cơ quan quản lý để “lo cả thể” cho doanh nghiệp mình. Tiêu cực là ở đó chứ đâu”, vị chuyên gia xin được giấu tên tiếp lời.

Lấy ví dụ yêu cầu xóa bỏ 7 nghìn giấy phép con chưa được thực hiện tốt dù đã quá hạn (Thủ tướng yêu cầu hoàn thành vào ngày 1/7/2016), ông  Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng đây chính là điển hình của lợi ích mà cơ quan nhà nước chưa dám từ bỏ. Rất nhiều các quy định trong các Thông tư được “cấp dưới” đưa vào Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ký ban hành. May mà các cơ quan thẩm tra chưa “bấm đèn xanh” không thì các giấy phép con đã được “gia hạn” để tồn tại.

Mà không chỉ “giấy phép con” trước đây, một số “tấm giấy thông hành” khá mới cũng đang được đề xuất do cơ quan nhà nước cấp. Một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm ví dụ, tại Dự thảo Nghị định điều kiện  Quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, kiểm nghiệm thực phẩm. Bộ Y tế tiếp tục muốn giữ quyền cấp giấy Chứng nhận Thực hành sản xuất tốt GMP.

Theo chuyên gia này, cấp GMP (hoặc tương đương) cần trao cho tổ chức chứng nhận. Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát, hậu kiểm. Có như thế thì mới phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cộng đồng lên tiếng