Bệnh đường hô hấp ở trẻ - Chớ coi thường!

Các bệnh hô hấp ở trẻ cần được điều trị kịp thời và đúng cách. Nguồn ảnh: Internet

Bệnh ho gà xuất hiện trở lại ở miền Bắc

Bệnh hen suyễn có thể phòng được không?

Cảnh giác với các bệnh hô hấp trong mùa đông

Những bệnh hô hấp trẻ thường gặp vào mùa đông

Cẩn trọng khi trẻ thở nhanh, thở gấp

Theo bác sỹ Phạm Thanh Xuân – Nguyên Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: “Phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em là do virus, trong đó, đứng hàng đầu là virus hợp bào hô hấp. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố như vi khuẩn, thời tiết chuyển mùa, môi trường sống ẩm thấp, nhiều khói bụi… cũng là những tác nhân quan trọng gây bệnh ở trẻ”.

Để phát hiện kịp thời và xử lý đúng các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ cần phải đánh giá và phân loại đúng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Dựa theo vị trí tổn thương y học, chuyên khoa chia ra thành nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. 

Các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bao gồm: Ho, cảm lạnh, viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm tai, viêm xoang... Đa phần các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và thường là nhẹ. Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới ở trẻ thường ít gặp hơn và thường là nặng, bao gồm các trường hợp viêm phế quản, tiểu phế quản và viêm phổi. 

“Cha mẹ có thể nhận biết các bệnh đường hô hấp ở trẻ qua một số dấu hiệu như: Sốt nhẹ (38 độ C) hoặc sốt cao (39 - 40 độ C), ho khan, có đờm, ho từng cơn hoặc ho liên tục, chảy mũi, khó thở, thở rít, thở khò khè. Bên cạnh đó là các triệu chứng quấy khóc, đau đầu ở trẻ lớn, rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, chướng bụng, biếng ăn, tiêu chảy. Trong trường hợp cha mẹ thấy trẻ có triệu chứng suy hô hấp như: Thở nhanh so với lứa tuổi, thở rên, cánh mũi phập phồng, thở co kéo các cơ hô hấp, tím tái ở môi và các đầu chi, li bì hoặc mê sảng, sốt cao, bỏ ăn uống, khóc quấy nhiều… thì nên đưa trẻ đi bệnh viện gấp”, bác sỹ Xuân chia sẻ.

Một số bệnh lý hô hấp thường gặp

Viêm mũi dị ứng: Là tình trạng viêm tại chỗ do niêm mạc mũi nhạy cảm với một hay nhiều tác nhân gây bệnh (dị nguyên). Cha mẹ có thể nhận biết bệnh viêm mũi dị ứng của trẻ thông qua các dấu hiệu như: Chảy nước mũi, nước mắt; Ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt hơi từng tràng; Ho, sốt nhẹ, mệt mỏi, bứt rứt, căng thẳng,… Mỗi khi thay đổi thời tiết hay gặp các yếu tố kích thích liên quan đến thì bệnh lại xuất hiện.

Viêm mũi dị ứng ở trẻ thường hay tái phát khi thay đổi thời tiết. Nguồn ảnh: Internet

Viêm mũi họng: Thường xảy ra lúc trời lạnh, tuổi dễ bị nhất là từ 3 - 6 tuổi. Bệnh lây lan rất nhanh nhưng ít nguy hiểm, với một số triệu chứng như: Trẻ có cảm giác khô mũi, hơi thở nóng trong ngày đầu, sau đó sổ mũi ào ạt, sốt, nghẹt mũi, mệt mỏi, biếng ăn…

Viêm VA: Thường ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn. Khi bị viêm VA trẻ thường có biểu hiện sốt, chảy nước mũi (lúc đầu trong, loãng, sau nhầy, mủ), ngạt mũi, ho, mệt mỏi, quấy khóc…

Viêm phổi: Có các triệu chứng khó thở, thở nhanh, tím tái, co rút lồng ngực… Hậu quả là suy hô hấp dẫn đến thiếu oxy, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây tử vong. Cha mẹ có thể phát hiện bệnh khi thấy bé có các biểu hiện: Ho, khó thở, nhịp thở nhanh nông, cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực, tím tái, trẻ nôn trớ, ỉa lỏng…

Viêm tiểu phế quản cấp: Là bệnh nguy hiểm và thường mắc nhiều vào mùa đông xuân. Tổn thương cơ bản là xuất hiện hiện tượng viêm xuất tiết, phù nề niêm mạc tiểu phế quản lan rộng và hậu quả có thể gây tắc hẹp đường thở làm cho trẻ khó thở, tím tái. Nếu không phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, trẻ có thể tử vong vì ngạt thở.

Hen phế quản: Là hội chứng viêm đường hô hấp mạn tính. Ở trẻ nhỏ bệnh hen phế quản có 3 hiện tượng bệnh lý cơ bản là viêm, co thắt và gia tăng tính phản ứng của phế quản. Cha mẹ có thể nhận biết bệnh hen phế quản của trẻ qua các biểu hiện như: Ho (lúc đầu ho khan, sau xuất tiết nhiều đờm dãi, ho dai dẳng, ho nhiều về đêm, nhất là khi thay đổi thời tiết); Khạc đờm (khi trẻ ho khạc nhiều đờm dãi, nhất là khạc đờm trắng có khi có mủ); Khó thở (chủ yếu là khó thở ra, kéo dài, nhẹ thì khó thở khi ho, khóc, nuốt…); Thở khò khè (dấu hiệu báo trước như hắt hơi, ngứa mũi, ngạt mũi, chán ăn, đau bụng, nặng ngực…).

Linh Ly (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp