Nhật ký COVID-19 của một người “Hùng”

“Nhật ký COVID-19 và những chuyện chưa kể” của BS. Ngô Đức Hùng

Đã đến lúc để “vén màn bí ẩn COVID-19” hay chưa?

Phương pháp chữa được bách bệnh: Khoa học hay tâm linh?

Câu chuyện đẹp đẽ trong Cây cam ngọt của tôi

Giận dưới góc nhìn của Đạt Lai Lạt Ma

Tất cả những điều bạn cần biết về COVID-19 trong thời điểm hiện tại

BS. Ngô Đức Hùng, còn được biết dưới biệt danh Húng Ngò, là bác sỹ công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai và giảng viên khoa Hồi sức cấp cứu, Đại học Y Hà Nội. Nếu bạn từng đọc Để yên cho bác sỹ “hiền” với giọng văn không hề “hiền” của BS. Ngô Đức Hùng chắc chắn không còn xa lạ.

BS. Hùng là người đã tham gia vào tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 trong cả 3 đợt dịch tại nước ta. Bệnh viện Bạch Mai nơi anh làm việc bị phong tỏa trong làn sóng dịch đầu tiên (cuối tháng 3/2020). Anh đến tâm dịch Hải Dương vào ngày mùng 10 sau Tết Nguyên đán để tiếp viện cho Bệnh viện dã chiến số 2. BS. Hùng cũng trực chiến tại Bệnh viện dã chiến Bạch Mai 2, cơ sở Hà Nam, nơi tiếp nhận các F1 có bệnh lý nền phức tạp. Và theo thông tin bác sỹ chia sẻ trên Facebook, anh vừa trở về quê nội tại Bắc Giang - điểm nóng những ngày qua - để xây dựng bệnh viện dã chiến.

BS. Ngô Đức Hùng trong bộ đồ nuôi ong - Ảnh: ANTĐ

BS. Hùng có đủ thẩm quyền để nói về “con COVID”, và anh đã trình bày một cách cô đọng, dí dỏm những thông tin quan trọng mà bạn cần biết tại thời điểm này: Virus SARS-CoV-2 từ đâu mà ra, cơ chế gây bệnh như thế nào, kiểm dịch ra sao… Quý giá hơn nữa là những mẩu chuyện độc quyền từ tâm dịch: Khu cách ly, khu phong tỏa – nơi đan xen sự sống, cái chết nhưng cũng không thiếu tình người. Hiểu đúng về dịch bệnh, bạn có thể “bình yên cùng chống dịch”, thay vì bấn loạn, tin vào những nguồn tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook, Zalo.

Kỳ thị trong mùa dịch

BS. Hùng ví công tác tìm kiếm F0 như “cuộc săn lùng phù thủy”, khi người ta đấu tố, mổ xẻ đời tư của nhau khi thông tin truy vết được công khai. Không chỉ kỳ thị người bệnh, “những lâu đài nhân cách” (theo cách gọi của BS. Hùng) còn kỳ thị cả nhân viên y tế đang trực tiếp chống dịch để đảm bảo bình yên và sức khỏe cho cộng đồng.

Trong làn sóng dịch thứ 3, ở tâm dịch Hải Dương, có bác gái đi cách ly do dương tính với COVID-19, chỉ lo 2 con lợn ở nhà chết đói vì hàng xóm xa lánh, sợ lây bệnh. Là một người quê Hải Dương, tôi thấy cay khóe mắt khi đọc đến câu chuyện này. Những lời lẽ không mấy thiện cảm về Hải Dương trên mạng xã hội chẳng là gì so với áp lực vô hình đè nén những con người trong khu cách ly và bệnh viện dã chiến. "Triệu chứng của họ có thể không có gì, nhưng nỗi sợ mơ hồ về sự kỳ thị, nỗi sợ khi mình trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác mới nặng nề trong mỗi người".

Qua đại dịch, ta học cách trân trọng những điều nhỏ bé

Cô giáo trường mầm non Bạch Đằng, Kinh Môn (Hải Dương) chuẩn bị Tết cho học sinh trong khu cách ly

Sau năm COVID thứ 2, tôi đã cảm thấy thế giới này sẽ chẳng trở lại trạng thái bình thường (tức như trước kia) được nữa. Nhưng đó lại là cơ hội để ta học BS. Hùng cách trân trọng những điều bình thường nhỏ bé: Phố Hà Nội vắng vẻ ngày giãn cách xã hội, khu tập thể với cái chợ “hỗn loạn một cách thanh bình”, hay mùi hoa bưởi ở bệnh viện dã chiến… Con COVID vậy mà giúp con người ta gắn kết với nhau hơn: Người ta trông nom con cái giúp nhau trong khu cách ly, “những gia đình tập trung tại khu điều trị mỗi sáng gọi nhau dậy học bài, gọi nhau đi xét nghiệm, động viên nhau như đi nghỉ mát”.

BS. Hùng kể chuyện bằng giọng văn hóm hỉnh và nhẹ tênh, nhưng người đọc chẳng thể nào xem nhẹ sự hy sinh của các bác sỹ, nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện đã xông pha vào tâm dịch. Nhiều người đón giao thừa trong bệnh viện, “đội nuôi ong” tiết kiệm đồ bảo hộ đến từng giây phút, những nữ nhân viên y tế “chả dám rụng trứng” khi vào bệnh viện dã chiến… Nếu coi Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể là một cuốn sách sử, thì tất cả những đóng góp lặng thầm ấy đã được ghi công vào đây rồi. 1-2 năm hay chục năm nữa, nếu bạn muốn kể cho hậu bối câu chuyện Việt Nam chiến thắng COVID, hãy nhớ đến BS. Hùng - một trong những người hùng nơi tâm dịch.

Cuốn Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể do Nhã Nam phát hành.
Giá bìa: 102.000 đồng

Ngày 14/5, BS. Ngô Đức Hùng cùng ekip đã tổ chức chương trình bán sách online gồm 1.500 cuốn “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể” với mục đích gây Quỹ 3 phút sơ cứu. Cùng tên với cuốn sách anh cho ra mắt năm 2020, Quỹ 3 phút sơ cứu là quỹ hoạt động vì cộng đồng nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của người dân về sơ cấp cứu và cách chăm sóc sức khỏe khoa học.
Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa