Điểm mới trong luật khám, chữa bệnh sẽ tập trung nâng cao kỹ năng và quản lý hoạt động của người hành nghề
Tập trung chuyển đổi số và thực thi pháp luật về khám, chữa bệnh
Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở
Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện K tăng cường giám sát quy trình khám, chữa bệnh
Khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số
Luật khám bệnh, chữa bệnh có những điểm mới nào cần lưu ý?
Được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội Khóa XV, Luật khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, bao gồm 12 chương và 121 điều. Theo đó, Luật khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng trên những quan điểm sau:
- Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
- Lấy người bệnh làm trung tâm.
- Xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế.
- Bảo đảm quyền của người bệnh với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh; Quyền của người hành nghề, của cơ sở khám chữa bệnh với trách nhiệm của người bệnh, thân nhân người bệnh.
- Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.
- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với chuẩn mực của pháp luật quốc tế và bảo đảm bình đẳng giới.
Trước các quan điểm đó, Bộ Y tế đã đưa ra một số điểm mới như sau:
Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề
Về giấy phép hành nghề, Bộ Y tế yêu cầu bổ sung 3 chức danh chuyên môn mới là tâm lý lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng. Thời gian thực hành chuyên môn của những đối tượng này sẽ được rút ngắn. Tuy nhiên, để được cấp giấy phép hành nghề (có giá trị 5 năm), các đối tượng này thay vì chỉ xét hồ sơ sẽ được kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Để được gia hạn giấy phép hành nghề, người hành nghề cần đảm bảo sức khỏe và cập nhật kiến thức y khoa thường xuyên.
Với người nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh cho người Việt tại Việt Nam, quy định sử dụng tiếng Việt thành thạo là bắt buộc. Trừ một số trường hợp khám chữa bệnh nhân đạo, hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo… có thể được bỏ qua điều kiện này.
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám chữa bệnh
Bộ Y tế yêu cầu cần kiện toàn hệ thống thông tin điện tử bằng cách quy định quản lý toàn diện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bằng việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu của các hệ thống quản lý của cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2027.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cơ bản là điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế cũng cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ; Kết hợp với cụ thể hóa quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện hoạt động khám chữa bệnh
Để đào tạo nguồn nhân lực, Bộ yêu cầu cần hỗ trợ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước và tư nhân.
Trọng tâm công tác khám bệnh, chữa bệnh trong năm 2025
Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội trong nước (trong đó có ngành y tế); Khiến các chuỗi cung ứng nói chung bị đứt gãy, gián đoạn. Chưa kể tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa… làm tăng gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỉ trọng các bệnh không lây nhiễm. Tất cả những điều này khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao và đa dạng hơn.
Trong năm 2024, bên cạnh Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ cũng đưa ra nhiều thông tư, nghị định để kiện toàn hành lang pháp lý trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Dù hệ thống văn bản pháp luật đang từng bước hoàn thiện, nhưng vẫn còn đó một vài vướng mắc, chưa đầy đủ, đồng bộ; Một số quy định còn chậm sửa đổi, bổ sung.
Chưa kể còn một số khó khăn trong quy hoạch mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh; Công tác quản trị bệnh viện; Đầu tư nguồn lực; Chế độ đãi ngộ… Đặc biệt, nguồn nhân lực y tế hiện nay vẫn thiếu nhiều điều dưỡng, khó thu hút nhân lực trong lĩnh vực tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần. Ngành y tế còn phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế ở một số thời điểm.
Đây là lý do trong năm 2025 sắp tới, Bộ Y tế yêu cầu trọng tâm vào các nhiệm vụ như: Thắt chặt hành lang pháp lý; Quản trị bệnh viện; Nâng cao nhiệm vụ chuyên môn; Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, thiết bị y tế, thanh toán giường bệnh bảo hiểm y tế.
Bình luận của bạn