Cho trẻ nằm điều hòa: Mẹ cần lưu ý những gì?

Sử dụng điều hòa không đúng cách sẽ làm cho trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp

Dùng điều hòa sai cách có thể hại trẻ!

Bé bị sốt có nên cho nằm điều hòa?

8 sai lầm nhà nào cũng mắc khi dùng điều hòa

Cho trẻ nằm điều hòa: Được, nhưng cần nhớ...

Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột

Khi bé ở ngoài nắng về, ra nhiều mồ hôi, tránh cho bé vào ngay phòng mở điều hòa quá lạnh. Mẹ nên lau khô mồ hôi cho bé, để bé ngồi một lát ở phòng không bật điều hòa rồi mới để bé vào phòng bật điều hòa.

Nếu bé muốn ra ngoài, mẹ lại mở cửa phòng, cho bé đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh. Nên hạn chế việc cho bé ra vào phòng máy lạnh liên tục để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến trẻ bị sốt, cảm cúm (sốc nhiệt).

Tạo độ ẩm cho phòng

Mỗi ngày, bạn phải tắt điều hòa ít nhất 2 lần, mở hết các cửa, dùng quạt đuổi hết không khí tù đọng ra ngoài. Kết hợp đón ánh nắng vào phòng càng nhiều càng tốt.

Điều hòa thường làm cho da bé bị khô nên khi sử dụng, bạn cần đặt một chậu nước trong phòng để tránh khô da và ngạt mũi cho bé. Bên cạnh đó, cần xịt, nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên làm sạch đường hô hấp trên của bé.

Thời gian và nhiệt độ điều hoà

Thời gian tối đa cho bé nằm điều hoà chỉ nên từ 2 - 3 tiếng mỗi lần

Thời gian tối đa cho bé nằm điều hoà chỉ nên từ 2 - 3 tiếng mỗi lần. Điều này có nghĩa là cứ 2 - 3 tiếng, mẹ nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường từ 10 - 15 phút. Đây cũng là thời gian để đuổi không khí tù đọng và đón nắng vào trong phòng bé.

Chỉ nên để nhiệt độ điều hòa thấp hơn so với nhiệt độ bên ngoài khoảng 6 - 10 độ C. Với các gia đình có trẻ nhỏ, mức chênh lệch nhiệt độ càng thấp thì càng tốt. Với trẻ dưới 3 tuổi, nhiệt độ điều hòa phù hợp trong khoảng 26 – 27 độ C. Trẻ sơ sinh được mặc quần áo dài tay, đi bao tay chân và quấn tã, đắp chăn vẫn chỉ nên để 28 – 29 độ C.

Những lưu ý chung khác

Không sử dụng quạt phun sương, tạo ẩm khi đang bật máy điều hòa trong phòng ở của trẻ. Phòng dùng điều hòa thường đã đóng kín, nếu độ ẩm quá cao khiến các vi khuẩn, virus có cơ hội phát triển gây bệnh cho con người. Trẻ nhỏ rất cần sự lưu thông không khí vì vậy nên lắp đặt hệ thống quạt thông gió thay vì sử dụng các loại máy tạo ẩm.

Ngoài việc để ý về cách sử dụng điều hoà, mẹ cũng cần lưu ý sức khoẻ cho bé. Nằm điều hoà tạo cảm giác mát mẻ nhưng cũng rất dễ gây khô da, khô mũi. Mẹ cần lưu ý thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé, đồng thời cho con uống nhiều nước, với trẻ bú mẹ thì bú nhiều lần để tránh mất nước cho cơ thể.

Khi trẻ ngủ, mẹ cũng lưu ý đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Với trẻ ngủ qua đêm trong phòng điều hoà hay đạp chăn, mẹ có thể tham khảo các phương pháp để giữ ấm cho con khi trẻ hay đạp chăn lúc ngủ.

Lưu ý khi dùng điều hòa cho trẻ khi giao mùa

Để giữ ấm cho trẻ vào thời điểm giao mùa, cần giữ nhiệt độ trong phòng ấm áp, khoảng 28 - 30 độ, tuyệt đối tránh để gió lùa vào phòng nhưng cũng không nên để phòng quá bí bách. Không nên lạm dụng điều hòa để giữ ấm phòng bé trong mùa Đông. Việc này có thể làm khô không khí, không tốt cho sức khỏe của bé.

Thời điểm chuyển giao mùa là giai đoạn đỉnh điểm của các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Với các bệnh đường hô hấp trên (trẻ chỉ ho, sốt… do sốt virus cảm cúm thông thường) thì không cần dùng kháng sinh. Những trẻ có biểu hiện ho, sốt kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến ngay bệnh viện khám và điều trị kịp thời. 

Để phòng bệnh, cần giữ gìn vệ sinh môi trường sống tốt, trong lành, thoáng khí, hạn chế sử dụng điều hòa và điều chỉnh nhiệt độ thích hợp để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa mũi và súc miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý thường xuyên để đề phòng bụi bẩn, nhiễm khuẩn qua đường hô hấp.

Trần Ngọc H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ