Những mẹo nhỏ giúp bé ăn ngon miệng


Việc cho trẻ ăn giúp bé tăng cân không hề khó, nếu mẹ biết những mẹo nhỏ giúp bé vượt qua chứng biếng ăng

Đào Thị Yến Thủy – Bác sỹ CK1, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Trong 100 trường hợp trẻ đến khám dinh dưỡng tại các bệnh viện thì đã có khoảng 40-50 trẻ gặp vấn đề về biếng ăn".

Theo số liệu nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, có đến 45,9% trẻ được đưa đến khám tư vấn dinh dưỡng do biếng ăn, có nguy cơ dẫn đến suy dinh dưỡng.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chứng biếng ăn là do hệ tiêu hóa ở trẻ còn đang hoàn thiện, cần được hỗ trợ bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ.

Bên cạnh đó, quan niệm sai lệch về dinh dưỡng hay sơ suất trong kỹ năng nuôi dạy trẻ như gây áp lực ép trẻ ăn đều có thể làm cho trẻ từ chỗ không biếng ăn trở thành biếng ăn.

Trong mắt các bé, cha mẹ là những người mà bé đặt niềm tin tưởng và thích học tập theo. Đặc biệt trong độ tuổi từ 3-4, thời điểm mà các chuyên gia tâm lý cho rằng bé sẽ làm một “cuộc cách mạng” để hình thành một nhân cách sơ khai đàu tiên. Lúc này, bé muốn làm người lớn nên thường hay bắt chước những người xung quanh, từ cách nói năng, đi đứng đến chuyện ăn uống.

Một số mẹo nhỏ được các chuyên gia tư vấn giúp bé vượt qua chứng biếng ăn:

1. Nguyên tắc 3 “không” khi ăn

3 “không” là không tivi, không đi rong, không đồ chơi. Nguyên tắc này cần thực hiện nghiêm túc ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Một người mẹ chia sẻ: “Nếu trẻ chưa từng được ăn phải xem tivi, được chơi đồ chơi, được đi rong thì làm sao biết giờ ăn là được như thế. Tất cả đều do người lớn tạo thói quen”.

Bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài 15-30 phút. Nếu vừa cho trẻ ăn vừa xem tivi hoặc chơi đồ chơi sẽ khiến trẻ phân tâm, không tập trung ăn uống gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

2. Nguyên tắc “mặc kệ nó”

Nếu trẻ không đói, đừng cố ép trẻ ăn một món nào đó hay đồ ăn vặt. Đặc biệt, tuyệt đối không mua chuộc, dụ dỗ bé ăn. Trẻ con không bao giờ để mình bị chết đói cả.

3. Cho trẻ chọn thực phẩm

Nếu trẻ cảm thấy chán ăn hay mệt mỏi, hãy để trẻ tự chọn thực đơn cho mình. Đôi khi, cảm hứng ăn uống sẽ giúp trẻ ăn được nhiều hơn là bị ép buộc.

Mẹ có thể khuyến khích trẻ cùng tham gia nấu nướng như nhặt rau, rửa rau, gọt củ quả. Trẻ sẽ cảm thấy ngon miệng hơn khi cảm giác món ăn là một phần thành quả lao động của chính mình.

4. Món ăn đa dạng và phong phú

Vị giác của trẻ em nhậy hơn người lớn từ 2-3 lần. Nếu ngày nào trẻ cũng chỉ ăn một món, chắc chắn bé sẽ chán và không muốn ăn. Vì thế, để giúp trẻ ăn ngon và ăn ngoan hơn, mẹ hãy thường xuyên thay đổi thực đơn cho bé.

5. Trẻ con ăn bằng mắt

Món ăn được trang trí đẹp mắt chắc chắn sẽ hấp dẫn trẻ hơn. Do vậy, mẹ hãy chăm chút cho bữa ăn của bé bằng cách nắm cơm, cắt tỉa rau củ quả theo hình ngộ nghĩnh như hình các nhân vật hoạt hình, trẻ sẽ thích ăn hơn nhiều.


Món ăn được trang trí đẹp mắt sẽ hấp dẫn trẻ hơn

6. Kiên nhẫn với món ăn mới

Trẻ không thích đồ ăn mới. Trước một món ăn mới, mẹ hãy ăn thật ngon lành và thích thú trước mặt bé. Mẹ cũng nên miêu tả về màu sắc, mùi vị và cảm giác của món ăn đó cho trẻ nghe, chắc chắn trẻ sẽ không từ chối. Tuy nhiên, chỉ nên thử từ từ, không nên ép buộc trẻ phải ăn ngay và thích ngay món ăn lạ được.

7. Tạo lập thói quen

Thiết lập bữa chính, bữa phụ cho trẻ vào một khung giờ nhất định để hình thành thói quen ăn uống tốt và giúp trẻ biết cảm giác đói. Giữa các bữa chính, nên cho trẻ ăn thêm hoa quả tươi, uống sữa, sinh tố… để bổ sung thêm vitamin và các dưỡng chất thiết yếu.

Để bữa ăn của trẻ đầy thú vị, mẹ nên lưu ý 3 điều sau:

- Bé đang trong tuổi “ăn chơi”, hãy làm cho bữa ăn thành cuộc vui, chơi;

- Bé đang trong tuổi khám phá thế giới, hãy giúp bé khám phá các bí mật của thức ăn;

- Bé muốn khẳng định mình, không thích bị áp đặt, mẹ nên cho trẻ có sự chọn lựa, cho trẻ được tham gia càng nhiều càng tốt.


CTV4
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ