Nói với con: Để bé không chống đối

“Con cái nhà nói mà như nước đổ đầu vịt, chẳng tiếp thu gì cả”, chị Hoa gào lên khi con gái học lớp 5 quên không khóa vòi nước sau rửa chân khiến nước ngập lênh láng sân. “Mẹ đã dặn con bao nhiêu lần làm gì cũng phải chú ý chứ, chị Hoa (quận 7, TP HCM) tiếp tục. Cô con gái xị mặt rồi vùng vằng chạy vào phòng riêng, đóng sầm cửa lại. “Con này hỗn thật”, chị Hoa hét lên.

Hầu như ngày nào chị cũng phải quát tháo con một vài trận, đến nỗi giờ đây bé Hà đi qua nhà hàng xóm cứ cúi gằm mặt xuống vì xấu hổ. “Chán lắm, nói mãi mà nó chẳng thay đổi gì cả. Đến quát như thế mà nó chẳng tiến bộ thì không biết phải nói với nó bằng cách nào”, chị Hoa than vãn.

Chia sẻ trong buổi nói chuyện chuyên đề “Làm thế nào để hiểu con trẻ” với các thầy cô và phụ huynh của trường tiểu học Nguyễn Văn Hưởng (quận 7, TP HCM), bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn của Hội quán các bà mẹ) cho rằng gào thét dạy con là cách dạy mệt, tốn năng lượng nhưng hiệu quả rất thấp, gần như bằng không. Tiếc rằng nhiều cha mẹ lại hay áp dụng cách dạy này.

Theo bà, muốn nói để con nghe, cha mẹ nên nhớ những quy tắc sau: Nêu đúng vấn đề, nói ngắn gọn, không ra lệnh và cha mẹ có thể diễn tả cảm xúc của mình. Cụ thể:

1. Miêu tả những gì mình thấy hoặc nêu vấn đề

Ví dụ, khi nhìn thấy con mở vòi nước quên không khóa, thay vì ca thán: “Con không có trách nhiệm, luôn quên khóa vòi nước, con muốn nhà bị ngập à?”, bố mẹ chỉ cần đơn giản: Con, nước bồn tắm tràn ra bây giờ”.

Trẻ rất khó thực hiện việc phải làm khi bé bị quát bắt làm. Ngược lại, trẻ dễ dàng giải quyết vấn đề hơn khi bố mẹ chỉ đơn giản nêu ra vấn đề.

2. Thay vì ra lệnh, hãy diễn giải vấn đề

Ví dụ trong bữa ăn, bé định ăn hết một món ăn nào đó, bạn quát lên: "Con đặt miếng bánh xuống", rất có thể một đứa trẻ tinh quái sẽ nhanh tay đút miếng thức ăn vào mồm và thách thức: “Con nuốt mất rồi”.

Nhưng nếu bố mẹ diễn giải: “Con, cái bánh nhỏ lắm, chỉ đủ mỗi người một miếng thôi, bé sẽ từ bỏ và đi ăn mónkhác.

Bởi vì mệnh lệnh khiến trẻ chống đối. Diễn giải vấn đề sẽ khuyến khích con tìm ra giải pháp.


Trẻ thường tỏ ra chống đối khi nghe mệnh lệnh. Ảnh: Kim Kim.

3. Thay vì công kích, hãy bày tỏ cảm xúc của bạn

Một ông bố về nhà thấy con chưa lau quét nhà, hét lên: “Trách nhiệm của con đâu, bố không nhờ được con việc gì cả” có thể sẽ bị đứa con ngó lơ vì nó nghĩ rằng, chẳng cần làm nữa vì đằng nào cũng bị bố quát mắng rồi. Nhưng nếu ông bố nhẹ nhàng: “Con làm bố thất vọng quá, con làm bố tin rằng bố về nhà là nhà cửa đã sạch sẽ”, đứa con sẽ áy náy: “Con đang định làm nhưng phải học thêm chút. Bây giờ bố vào đi, rồi con sẽ lau ngay”.

Khi tức giận, chúng ta thường trút lên đầu trẻ những lời lẽ công kích, hạ thấp chúng, kết quả là trẻ sẽ lảng đi, cãi lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta bày tỏ cảm xúc của mình, trẻ sẽ lắng nghe và đáp lại tích cực.

4. Thay vì giảng đạo dài dòng, hãy nói ngắn gọn

Thay vì nói: “Mẹ đã bảo con bao nhiêu lần là không được để cái balô bẩn thỉu của con lên bàn ăn, mất vệ sinh lắm, con tha lôi nó đi khắp nơi, lớp học, WC, bến xe...”, phụ huynh chỉ cần ngắn gọn:Balô của con kìa”.

Trẻ thường cho ra ngoài tai các bài giảng đạo lê thê. Một lời ngắn gọn khiến trẻ để tâm và hợp tác.

5. Chia sẻ thông tin

Thay vì nói: “Ai uống sữa và để hộp sữa ở ngoài tủ lạnh”, hãy nói: "Các con, sữa sẽ bị chua nếu để ngoài tủ lạnh”.

Khi chúng ta chia sẻ thông tin thì tự trẻ cũng biết phải làm gì.

6. Viết tin nhắn

Ngoài ra, muốn dặn dò con điều gì, phụ huynh có thể viết những tin nhắn với theo giọng điệu của trẻ dán lên tường, trẻ em cũng tiếp thu rất nhanh, như "Cấp cứu, tóc của bạn làm tắc ống nước rồi, bồn tắm của bạn kính báo".

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ