Dù đã bước sang mùa Đông nhưng dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến rất phức tạp
Khánh Hòa có hơn 6.000 ca sốt xuất huyết
El Nino bất thường gây sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử
Nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết vì El Nino 2015
Hàng ngàn người dân Khánh Hòa khốn đốn vì sốt xuất huyết
Thống kê tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, số ca bệnh SXH Dengue nặng phải nhập viện điều trị nội trú tính từ tháng 5/2015 đến nay là 412 ca (tăng gấp 10 lần so với cả năm 2014). Chỉ tính riêng trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 năm nay số bệnh nhân SXH Dengue được điều trị tại khoa là 310 (chiếm 75% tổng số các ca), trong số đó nhiều ca nặng có biến chứng, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong.
Đáng ngại nhất là một số trường hợp thai phụ nhập viện vì SXH, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và con như suy thai, đẻ non, thai chết lưu… Bà mẹ mang thai rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ.
Theo TS. Đỗ Duy Cường - Phó khoa Truyền nhiễm, năm nay dịch SXH bùng phát với ca mắc nhiều hơn các năm. Tại miền Bắc dù đã bước vào tiết Thu - Đông nhưng số ca mắc chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Hiện tại khoa đang điều trị nội trú cho khoảng hơn 180 bệnh nhân, chủ yếu là mắc SXH. Hầu hết bệnh nhân nhập viện sống tại các khu vực của quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa... do nơi đây tập trung nhiều nhà trọ sinh viên, với điều kiện vệ sinh môi trường, nơi ăn chốn ở chưa được đảm bảo.
“SXH thường cao điểm vào mùa mưa do độ ẩm tăng cao. Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của El nino, thời tiết nóng ẩm kéo dài nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch phát triển. Các ca mắc SXH chủ yếu là người lớn ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó bệnh nhân là thanh niên, nam giới rất nhiều”- TS. Cường cho biết thêm.
Triệu chứng của bệnh SXH thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5 - 7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ (thường < 100.000/mm3), bạch cầu hạ, hematocrite tăng (hiện tượng cô đặc máu).
Hiện SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng này.
Để phòng bệnh SXH, các bác sỹ khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, cần hết sức cẩn trọng trong việc phòng muỗi đốt. Loài muỗi vằn truyền bệnh SXH thường hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối, vì thế người dân cần lưu ý mặc áo dài tay, ngủ màn để phòng muỗi đốt.
Trường hợp trong nhà có người bị SXH, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt như nằm màn, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hoá chất diệt muỗi... Bên cạnh đó cần vệ sinh môi trường, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; Thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; Thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn….
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.
ThS.BS Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn: Do đặc điểm của bệnh SXH là bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi nên ăn uống sẽ kém đi; Đặc biệt, trong SXH sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương ra ngoài gây tình trạng cô đặc máu cho nên trong chế độ ăn uống cho người SXH quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol. Ngoài ra nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) để tăng cường sức đề kháng. Theo kinh nghiệm, có thể nghiền lá đu đủ, sau đó lọc chắt lấy nước uống cũng có tác dụng tốt cho bệnh nhân SXH.
Về chế độ ăn, bệnh nhân cần ăn những thức ăn lỏng và mềm như: Ăn cháo, soup vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. Không nên ăn cơm, đồ cứng khó nuốt. Cần kiêng những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu.
Đặc biệt với trẻ em bị SXH, nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho trẻ ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn và nước uống ra, không nên cho ăn dồn dập. Tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh SXH.
Bình luận của bạn