Phòng ngừa bệnh nha chu ở tuổi trung niên


Ảnh minh họa

Bệnh nha chu là tình trạng nhiễm trùng những mô nâng đỡ xung quanh răng (nướu răng, dây chằng nha chu và xương ổ răng). Bệnh nha chu ngày càng được mọi người quan tâm, vì nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy mối tương quan giữa nha chu và các bệnh khác như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và loãng xương.

Dấu hiệu nào cho biết bạn đã bị bệnh nha chu?

Nếu bạn có một hay nhiều dấu hiệu sau đây, có thể bạn đã bị bệnh nha chu:
-Nướu bị chảy máu khi đang chải hoặc làm sạch bằng chỉ nha khoa.
-Nhận thấy có khoảng trống đang phát triển giữa các răng.
-Nướu sưng đỏ và đau.
-Răng có vẻ dài hơn lúc trước.
-Nhận thấy hơi thở có mùi hôi.
-Phát hiện thấy mủ giữa nướu và răng.

Diễn tiến của bệnh nha chu như thế nào?
Bệnh tiến triển rất thầm lặng nên người bệnh thường ít chú ý. Các nướu bị sưng to rồi tự xẹp xuống làm người bệnh lầm tưởng là bệnh tự lành. Cứ thế, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời thì lớp mô nâng đỡ răng, dây chằng sẽ bị phá hủy và làm tiêu xương ổ răng, răng bị lung lay và cuối cùng sẽ mất răng dù răng còn nguyên vẹn, không bị sâu.

Vậy cần làm gì để phòng ngừa và điều trị bệnh nha chu?
Để phòng ngừa bệnh nha chu nói riêng và các bệnh răng miệng nói chung, chúng ta cần phải vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách sau khi ăn và trước khi đi ngủ để ngăn chặn tình trạng viêm nướu và viêm nha chu.

Khi đã bị viêm nướu, phải tích cực điều trị để không bị viêm nha chu. Trường hợp mắc phải bệnh viêm nha chu, cần tích cực điều trị sớm với thái độ hợp tác triệt để. Hiện nay, để điều trị bệnh nha chu ngoài việc cạo vôi răng và nạo túi, còn có phương pháp mới, nhẹ nhàng hơn (bơm thuốc vào gốc răng) sẽ chấm dứt tình trạng nha chu tiến triển.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Răng hàm mặt