Mắc thủy đậu: Không thể chủ quan

Viêm phổi là một trong những biến chứng nặng của bệnh thủy đậu. Ảnh minh họa

Cẩn trọng: Miền Bắc bước vào mùa thủy đậu

Đề phòng khi thủy đậu vào mùa

Ăn gì để phòng bệnh sởi, thủy đậu?

Bệnh giời leo do virus thủy đậu

Nhiều biến chứng

Biến chứng nhẹ của thủy đậu là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.

Đặc biệt, thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ Đông). Nhiều năm sau đó, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra bệnh Zona, có người còn gọi là giời leo.

Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ 5 - 9 tuổi; Xảy ra nặng nhất ở người lớn và trẻ dưới 5 tuổi. Một trong những dấu hiệu của bệnh thủy đậu là người bệnh sốt cao, đau nhức, sau đó xuất hiện mụn nước trên da, trong vòng 24 - 48 giờ có thể nổi toàn thân.

Với những người bệnh có sức đề kháng tốt, mụn nước thường nổi ít hơn, tình trạng bệnh không quá trầm trọng. Nếu thể trạng không tốt hoặc trước đó người bệnh đã mắc các bệnh lý khác, có ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể, số lượng mụn nước có thể gia tăng nhiều, dễ gây nhiễm trùng nốt đậu, để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.

Tiêm phòng vaccine thủy đậu giúp phòng ngừa và hạn chế biến chứng do bệnh gây ra. Ảnh minh họa

Dễ lây lan

Thủy đậu có tốc độ lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh ở những nơi đông người. Bệnh rất dễ truyền nhiễm và lây lan qua sự đụng chạm đến nốt ngứa từ người bị thuỷ đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm. Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ nốt ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh.

Bệnh phát triển trong vòng 10 - 21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh và có thể lây từ 1 - 2 ngày trước khi nổi nốt ngứa cho đến khi tất cả những vết mụn nước đã đóng vảy (thông thường trong vòng 5 ngày từ khi những vết mụn nước nổi lên).

Ở trẻ nhỏ bệnh thường dễ lây lan do cùng chơi đùa, ăn ngủ tại nhà trẻ, mẫu giáo, trường bán trú. Ngoài ra, bệnh có thể lây từ mẹ sang con khi bị nhiễm thủy đậu trong thai kỳ.

Do đó, khi có dịch bệnh thì việc cách ly với nguồn bệnh là biện pháp an toàn giúp phòng bệnh và ngăn ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng. Nguyên tắc dự phòng phổ biến là không đến những nơi có nguồn bệnh hoặc nguy cơ cao lây bệnh như bệnh viện; Không đến những nơi đông người như bến tàu, bến xe. Trong trường hợp bắt buộc phải đến những nơi kể trên cần đeo khẩu trang y tế, vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn ngay sau đó.

Để ngăn ngừa bệnh thủy đậu, mọi người cần chủ động tiêm phòng trước khi có dịch để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đối với người không may bị bệnh cần đi thăm khám và điều trị sớm, giúp giảm những biến chứng của bệnh thủy đậu.

Tiêm một liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 1 - 12 tuổi. Đối tượng từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6 - 10 tuần. Tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch ít nhất một tháng, bởi vaccine thuỷ đậu cần 2 - 3 tuần để phát huy tác dụng.
Linh Ly (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm