Vì sự an toàn của "Thượng đế"

Sẽ siết chặt và phạt nặng các hình thức quảng cáo sai phạm trên không gian mạng

Cần hiểu rõ hơn về vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu

Lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc

Dịp này, chủ đề an toàn (cho thượng đế - người tiêu dùng) được nhắc đến thường xuyên. Nào là Ngày của Người tiêu dùng Việt Nam (15/3) năm 2022 này được Bộ Công Thương phát động với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới". Tiếp đến là Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ 15/4 đến 15/5) với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới". Thời sự nữa là ngay sau khi Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vì hành vi “thao túng thị trường chứng khoán" và “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách lĩnh vực đã có ngay chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.

Đi cụ thể vào lĩnh vực an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay với chủ đề Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được đánh giá chung là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, tương thích với yêu cầu hội nhập.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã tích cực thúc đẩy các vùng chuyên canh, sản xuất thực phẩm an toàn gắn với xây dựng bản đồ sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm

Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do vậy, ngành nông nghiệp cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đồng thời phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương chọn chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 như nêu ở trên, nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm trước hết của quản lý nhà nước rồi đến nhà sản xuất, kinh doanh và của người tiêu dùng.

Xử lý mạnh tay các trang mạng vi phạm

Mới nhất, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, một bức xúc lâu nay đối với người tiêu dùng. Nhằm triệt để khắc phục những tồn tại dai dẳng này, Bộ Y tế đã kiến nghị những biện pháp mạnh như xử lý mạnh trang mạng xã hội; đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter,… các nền tảng quảng cáo trên google ads như youtube, coccoc, chrome,… và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.

Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động. Khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Bộ Y tế cũng kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các Công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Xử lý nghiêm nghệ sỹ quảng cáo “nổ “

Với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế kiến nghị tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sỹ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

Xử lý nghiêm những nghệ sỹ quảng cáo nói quá công dụng của các sản phẩm, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng

Xử lý nghiêm những nghệ sỹ quảng cáo nói quá công dụng của các sản phẩm, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng

Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định, quản lý chặt chẽ hơn về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Người tiêu dùng “thông thái”

Cùng với việc cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý nhà nước, xử lý mạnh tay các vi phạm thì người tiêu dùng cũng cần phát huy, tự bảo vệ quyền lợi của mình - hãy là những người tiêu dùng “thông thái”, chỉ mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương như Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Y tế; Sở Công Thương; Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch; Ban Quản lý An toàn thực phẩm; Thanh tra tỉnh/thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.

Tuyên truyền để người dân không tham gia vào các clip, video quảng cáo sai tác dụng, công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng. Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ để có căn cứ, bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu.

 

 

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội