Cần hiểu rõ hơn về vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam

Bổ sung loại vitamin gì để cải thiện giấc ngủ?

Kỳ II: Bệnh viện tư “chia lửa” cùng bệnh viện công điều trị bệnh nhân Covid-19

Diễn biến mới tại quốc gia duy nhất còn theo đuổi "Zero COVID"

Tiếp nhận dây chuyền lạnh và vật tư tiêm chủng từ Australia và UNICEF

Thưa PGS.TS Trần Đáng, ngày hôm qua, mùng 9.11.2021, trong khi thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn đại biểu TP.HCM đã nêu những quy định hành chính cứng nhắc, kể cả trong thực thi dẫn đến hơn 22.000 lon sữa là hàng từ thiện từ Úc gửi cho TP.HCM thông qua Mặt trận Tổ quốc thành phố, sau gần 1 tháng vẫn chưa được nhận. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Tôi được biết thông tin này qua báo chí. Qua tìm hiểu, tôi biết được lô sữa này là do ông Kevin Lai thông qua chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) gửi Mặt trận Tổ quốc TP.HCM để tặng cho trẻ em thành phố. Tôi cho rằng, trong những lúc thành phố khó khăn, thì dù là cân gạo, gói mì, bó rau… đều rất đáng quý. Tuy nhiên, qua phát biểu của đại biểu Tô Thị Bích Châu, tôi thấy cần làm rõ hai vấn đề như sau:

Thứ nhất, đại biểu Châu kiến nghị cần có chính sách phân cấp mạnh mẽ. Nhưng đối với sản phẩm sữa này, Nghị định của Chính phủ đã phân cấp quản lý cho địa phương, cụ thể là Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM. Cũng chính vì thế mà ngày 25.10.2021, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã có công văn đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với lô hàng này, và Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn hướng dẫn rất chi tiết cho Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, cụ thể là thẩm quyền miễn kiểm tra không phải của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.

Thứ hai, tôi cho rằng, việc hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm là chính xác, vì theo quy định của Nghị định số 15/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm thì đối với trường hợp là hàng từ thiện không phải là đối tượng được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm, trừ trường hợp hàng đó là do chỉ đạo của Chính phủ nhập về để phục vụ các trường hợp khẩn cấp.

To thi bich chau

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu - Đoàn Đại biểu TP.HCM

Ông có thể lý giải rõ hơn phát biểu của đại biểu Tô Thị Bích Châu: Cục Thú y chỉ sau 2 ngày thì đồng ý còn Cục An toàn thực phẩm lại hướng dẫn yêu cầu xin ý kiến của Chính phủ.

Theo tôi, có thể có sự hiểu chưa đúng ở đây. Cụ thể, Cục Thú y trả lời về lô hàng này theo Luật Thú y, là được miễn kiểm dịch động vật, tức là không phải kiểm tra xem lô hàng có mầm bệnh từ động vật lây nhiễm vào hay không. Còn Cục An toàn thực phẩm phải trả lời theo Luật An toàn thực phẩm, thì đối với những lô hàng như thế này, việc kiểm tra an toàn thực phẩm là kiểm tra xem hàng còn hạn sử dụng hay không? Có chứa các chất độc hại, như kim loại nặng, độc tố vi nấm… vượt ngưỡng giới hạn hay không? Mà thẩm quyền để miễn kiểm tra các chỉ tiêu này lại thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Vâng, thưa ông. Đại biểu Châu cũng không cho rằng Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn sai, nhưng đại biểu lại cho rằng, đáng lẽ Cục An toàn thực phẩm nên hướng dẫn và tham mưu cho Chính phủ luôn, vì đằng nào cũng vậy, nếu Mặt trận Tổ quốc TP.HCM hỏi Chính phủ, thì Chính phủ cũng vẫn chuyển về Cục An toàn thực phẩm, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Chúng ta phải biết rằng, Nghị định của Chính phủ đã phân công rất rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong quản lý an toàn thực phẩm. Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng (trong đó có sữa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng. Trong trường hợp này, nếu Mặt trận Tổ quốc TP.HCM xin ý kiến Chính phủ về việc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm cho lô sữa này thì nếu cần tư vấn Chính phủ thì sẽ là tư vấn từ Bộ Công Thương chứ không phải Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.

sua-bot-la-gi-1_800x400

PGS.TS Trần Đáng nêu quan điểm, cần kiểm tra an toàn thực phẩm với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm dành cho trẻ em

Ông có thể cho biết việc kiểm tra an toàn thực phẩm lô hàng này mất bao nhiêu thời gian không? Đơn vị nào có chức năng kiểm tra?

Tôi được biết, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện nay thực hiện hết sức thông thoáng. Ngoài việc kiểm tra hạn sử dụng trên bao bì, nếu cần kiểm nghiệm các chỉ tiêu độc tố thì thời gian cũng không quá 3 ngày, và ngay tại TP.HCM cũng có Trung tâm 3 thuộc Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng – Bộ Khoa học & Công nghệ, là đơn vị có chức năng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Tôi cũng hơi băn khoăn và khó hiểu là nếu cần kiểm tra thì cũng chỉ mất 3 ngày, nếu lô hàng an toàn thì đã đưa vào sử dụng mà tại sao suốt từ 25.10.2021 đến nay chúng ta vẫn cứ đề nghị xin miễn kiểm tra?

Theo ông, với lô hàng cụ thể này có cần thiết phải kiểm tra an toàn thực phẩm hay không?

Với quan điểm cá nhân tôi thì dù là hàng từ thiện cũng vẫn nên kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng, vì đây là sản phẩm dành cho đối tượng đặc biệt là trẻ nhỏ, hơn nữa, nếu có kiểm tra thì thủ tục và thời gian cũng hết sức đơn giản và thuận tiện.

Trân trọng cảm ơn ông.

Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tập trung ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phát biểu từ đầu cầu TP.HCM, Đại biểu Châu (Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM) đã nêu câu hỏi: "Có một lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid -19 tại TP.HCM. Mặt trận Tổ quốc TP đã xin ý kiến Cục An toàn Thực phẩm, Cục Thú y. Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý; còn Cục An toàn Thực phẩm nói "đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ". Nhưng TP gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về Cục An toàn Thực phẩm trả lời. Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?".

PV Suckhoe+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý