Bệnh suy giãn tĩnh mạch

Khi đau chân, nặng chân, nhiều người nghĩ mình bị bệnh về khớp và thường tìm đến bác sĩ khớp; cũng như khi bị vọp bẻ (chuột rút) ở chân hầu như mọi người nghĩ mình thiếu calci. Có một bệnh lý rất phổ biến làm đau chân, nặng chân, vọp bẻ ít được biết và chú ý đến là suy giãn tĩnh mạch chân.

Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý khá phổ biến. Theo thống kê suy giãn tĩnh mạch ở người trên 30 tuổi là 20-25% ở phụ nữ và 10-15% ở nam giới. Bệnh thường xảy ra ở những người làm công việc hay nghề nghiệp đòi hỏi ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động như nhân viên văn phòng, tài xế, giáo viên, nhân viên bán hàng, thợ làm tóc… Bệnh khá phổ biến nhưng ngay cả một số bác sĩ cũng không để ý.


Suy giãn tĩnh mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ tĩnh mạch nào của cơ thể. Những những triệu chứng và biến chứng nặng thường do suy giãn tĩnh mạch chân.

Bình thường các động mạch đưa máu đỏ (chứa nhiều oxy và chất dinh dưỡng từ tim đến các mô), tĩnh mạch đưa máu đen (nghèo oxy, ít dinh dưỡng và chất thải) từ các mô về tim... làm suy giãn tĩnh mạch. Để đưa máu trở về tim, các tĩnh mạch ở chân của bạn phải làm việc chống lại trọng lực. Sự co thắt của các cơ ở chân của bạn và sự đàn hồi của thành tĩnh mạch giúp máu đến tim. Các van nhỏ trong tĩnh mạch của bạn hoạt động như một mái chèo và mở ra để máu chảy về phía tim của bạn, sau đó đóng để ngăn chặn máu chảy ngược trở lại.

Khi các van tĩnh mạch này bị suy khả năng đưa máu về tim bị giảm sút và mỗi lần đóng van sẽ có một lượng máu chảy ngược lại, dẫn đến ứ đọng máu đen ở vùng thấp nhất là chân. Tình trạng ứ máu này dẫn đến giãn tĩnh mạch và những rối loạn sinh hóa gây ra những triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch.

Suy giãn tĩnh mạch là do suy và tổn thương những van tĩnh mạch đưa đến giãn tĩnh mạch. Người bệnh có những triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động như đau chân, nặng chân, mỏi chân khi đứng lâu hay ngồi nhiều; phù chân thường thấy ở vùng mắt cá chân, bàn chân, có khi phù kín đáo hơn, chỉ cảm thấy mang giày dép chật so với bình thường.

Bên cạnh đó, người bệnh còn có biểu hiện như chuột rút (vọp bẻ), cảm giác tê chân, châm chích, như có kiến bò vùng cẳng chân; tĩnh mạch có thể nổi li ti từng mảng lớn nhỏ khác nhau, màu xanh hoặc tím đỏ (tĩnh mạch hình mạng nhện), đôi chỗ giống như hình pháo bông hay nổi to ngoằn ngoèo như con giun dưới da. Da vùng chân thay đổi màu sắc, ngứa, chàm rất khó chữa lành.

Các triệu chứng xuất hiện tùy vị trí tổn thương (suy tĩnh mạch nông hay sâu) và mức độ nặng của bệnh. Những người bị suy tĩnh mạch nông có thể thấy nổi gân xanh nhiều nhưng lại ít có những triệu chứng khác, còn người bị suy tĩnh mạch sâu có thể không thấy nổi gân xanh, nhưng những triệu khác đôi khi rất nặng nề. Vì vậy ta không nên dựa vào tình trạng nổi gân xanh mà đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Suy giãn tĩnh mạch gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. Xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch. Tắc mạch máu phổi là một biến chứng rất nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Lâu dần bệnh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại của người bệnh và gây tàn phế.

Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh mãn tính, diễn tiến theo thời gian, tuổi tác gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Dù ít khi gây tử vong, nhưng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động, chất lượng cuộc sống, gây tàn phế và làm hao tốn tiền bạc.

Trong điều trị suy giãn tĩnh mạch cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và người bệnh. Người bệnh cần phải có kiến thức về bệnh, các phương pháp điều trị, các biện pháp hỗ trợ điều trị. Người bệnh cần kiên nhẫn, tuân thủ điều trị vì vấn đề điều trị là lâu dài và bệnh rất dễ tái phát.

Có nhiều phương pháp để điều trị suy giãn tĩnh mạch như phẫu thuật, cắt đốt bằng laser, chích xơ, thuốc… Không một phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh và dù dùng phương pháp nào bệnh cũng tái phát.

Vì những vấn đề trên nên việc xác định bệnh, chẩn đoán và điều trị sớm, lựa chọn phương pháp điều trị và các biện pháp hỗ trợ, cân nhắc về chi phí điều trị... là những vấn đề rất quan trọng đối với người bị bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch