Đái tháo đường - Bệnh vì chủ quan

Health+ đã ghé thăm Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, gặp gỡ các bệnh nhân thăm khám tại đây để tìm hiểu thêm về các nguyên nhân thường gặp gây nên căn bệnh thời đại này.

Yếu tố di truyền
Bà Nguyễn Thị Kim, 56 tuổi cho biết: “Gia đình tôi có 11 anh chị em, trong đó 2 người chị gái bị bệnh ĐTĐ. Mấy năm gần đây tôi đi khám ở bệnh viện chỉ phát hiện mình bị cao huyết áp và tim mạch thôi, nhưng thời gian gần đây thấy cơ thể mệt mỏi hơn nhiều, đi khám thường xuyên vẫn không phát hiện bệnh, tới khi con gái đưa đi khám tổng quát và làm nhiều xét nghiệm mới phát hiện mình bị đái tháo đường một thời gian rồi”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu trong gia đình có người bị bệnh ĐTĐ thì những người khác cũng nên lưu ý. Bởi vì, bệnh này thường không có dấu hiệu để phát hiện, mà chúng tiến triển một cách âm thầm. Đôi khi có thể nhầm lẫn với các bệnh khác trong cơ thể. Thậm chí, nhiều người khi mắc bệnh đi khám cũng chỉ chăm chăm mô tả các triệu chứng nên bác sĩ cũng khó chuẩn đoán chính xác. Tới lúc được làm xét nghiệm phân tích mới phát hiện mình bị bệnh.

Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý khiến tình trạng đường huyết tăng cao


Yếu tố dinh dưỡng
Ông Nguyễn Minh Hải, bị bệnh ĐTĐ 10 năm nay, cho biết: “Từ nhỏ đến giờ tôi rất ghét ăn rau và trái cây, còn các loại cá, thịt trắng thì bị dị ứng, nên chỉ ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt heo. Hơn nữa, nhà tôi cũng chí có 2 cha con, nên thường mua các loại thực phẩm đóng hộp để sử dụng. Giá mà tôi tích cực bổ sung thêm các loại rau vào bữa ăn, chắc tôi đã không bị nặng như hôm nay”.

Bà Cao Thị Lựu, một người mắc bệnh đái tháo đường hơn 5 năm nay thì cho hay “Tôi thích sử dụng đồ ngọt, nên nấu nướng lúc nào cũng phải nêm thêm đường. Các loại trái cây thì dường như là chỉ có vị ngọt thì tôi mới ăn, loại trừ các loại trái cây có vị chua ra khỏi thực đơn”. Cũng chia sẻ về cách ăn uống cho bản thân và cả gia đình, chị Hoàng Yến Ly chia sẻ: “Gia đình tôi đặc biệt thích các loại thức ăn chiên, xào và thực phẩm đóng hộp, còn các loại rau xanh và trái cây thì thỉnh thoảng mới ăn. Vì có thể do mình quen với lối ăn uống này từ nhỏ, nên giờ bảo bỏ thì hơi khó”.

Ngoài yếu tố di truyền, việc ăn uống, sinh hoạt cũng chính là một yếu tố vô cùng quan trọng thúc đẩy bệnh ĐTĐ nhanh chóng “viếng thăm” các bệnh nhân.

Yếu tố sinh hoạt
Đời sống sinh hoạt bất hợp lý cũng là một nguyên nhân gây nên bệnh ĐTĐ hiện nay. Thói quen lười vận động, luyện tập thể dục thể thao đang kéo nhiều người đến gần hơn với căn bệnh này. Anh Phan Quang Hòa, người đang chống chọi với căn bệnh đái tháođường hơn 3 năm nay chia sẻ: “Tôi năm nay mới 40 tuổi, nhưng do công việc phải giải quyết hàng tháng rất nhiều, nên ngoài việc phải ngồi suốt 8 tiếng ở công sở, thì khi về đến nhà ăn xong tôi chỉ biết ôm tivi xem đá banh hoặc ngồi máy tính thôi. Tôi nghĩ, nếu trước đây tôi dành một chút thời gian cho việc nghỉ ngơi, tập luyện thì chắc tôi đã không bị mắc bệnh này rồi”.

Tập luyện thể dục thể thao để cân bằng trạng thái cơ thể


Ngoài những người trẻ tuổi do tính chất công việc bắt buộc, thì nhiều người già do chân tay đau nhức hoặc sức khỏe yếu nên việc luyện tập thể dục thể thao cũng là điều bị bỏ qua. Thay vào đó, là khoảng thời gian ngồi đọc báo và xem tivi như một cách để giết thời gian. Ông Nguyễn Minh Hải, cho biết thêm: “Con cái đi làm suốt ngày, mình già rồi ở nhà coi nhà thôi. Hơn nữa, ra đường xe cộ tấp nập, lỡ xảy ra tai nạn thì chỉ làm khổ con cái”.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Từ các nguyên nhân gây bệnh có thể rút ra các “nguyên tắc” để phòng ngừa và điều trị bệnh ĐTĐ, bao gồm: cần rèn luyện thói quen ăn uống, sinh hoạt một cách hợp lý. Vì ngoài những người mắc bệnh do yếu tố di truyền, thì ĐTĐ hoàn toàn có thể đề phòng được nếu biết cách.

Đối với những người chưa hoặc mới bị bệnh thì chế độ ăn uống, sinh hoạt cần được thực hiện khắt khe hơn. Cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều lượng đường, các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ hoặc thực chế biến sẵn, ăn nhiều rau xanh và trái cây có nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt…

Đối với những người đang mắc bệnh hoặc bệnh đã tiến triển qua giai đoạn nặng thì cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt để hạn chế tiến trình phát triển của bệnh. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày, lựa chọn những thức ăn có chỉ số đường huyết thấp nhưng vẫn cân bằng các nhóm thực phẩm bột đường, nhóm cung cấp đạm, cung cấp chất béo, vitamin khoáng vi lượng…

Bên cạnh việc tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, cần có chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để cân bằng trạng thái cơ thể, hạn chế các rối loạn về tâm lý. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kì để có thể sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Hồng Hạnh
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết