Đau đầu đi kèm với sổ mũi, ho khan, ho có đàm, thường bị nhận định là viêm xoang hoặc cảm cúm. Trong khi đó, đau đầu còn báo hiệu có khối u trong não. Chính thời gian tập trung chữa viêm xoang, cảm cúm đã làm “lu mờ” triệu chứng khác, nên khi người bệnh tìm đúng thầy thường đã muộn.
Trường hợp này nên cẩn thận lắng nghe cơ thể, nếu đau đầu đi kèm buồn nôn, chóng mặt, nói khó khăn, các chi cử động yếu ớt, mắt nhìn không rõ… thì nên đặt vấn đề theo hướng điều trị khác.
Một chứng đau đầu khác cũng dễ gây nhầm lẫn là thoát vị đĩa đệm vùng cổ. Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây đau dai dẳng nên dễ nhầm lẫn với các loại nhức đầu do công việc căng thẳng, mỏi mắt… Dấu hiệu nhận biết bệnh gồm các cơn nhức đầu có kèm đau vùng cổ-gáy, làm tê và giảm cảm giác các ngón tay.
Ở giai đoạn nặng hơn, cảm giác đau xuất hiện thường xuyên hơn, hạn chế các hoạt động hàng ngày. Phát hiện sớm, bệnh sẽ được điều trị kết hợp phẫu thuật giúp bệnh nhân không bị tàn phế.
Đau đầu có 2 loại cấp tính và mãn tính. Khi bị đau đầu cấp tính, cần xem xét các triệu chứng đi kèm. Ví dụ đau đầu có kèm sốt trong bệnh viêm màng não. Đau đầu kèm ói mửa sau khi bị chấn thương, kiểu đau đầu này xảy ra do máu tụ nội sọ, cần chẩn đoán và điều trị khẩn cấp.
Người bị cao huyết áp, tiểu đường bị đau đầu cần nhập viện để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm, không nên tự dùng thuốc giảm đau. Đau đầu mãn tính kéo dài vài tuần, vài tháng, vài năm, nếu thấy mức độ đau tăng dần, uống thuốc giảm đau không bớt, cần nhập viện để tìm nguyên nhân.
Đau đầu kéo dài nhưng không liên tục, khi ẩn khi hiện, đau ba-năm ngày thì hết, một vài tháng đau trở lại. Những cơn nhức đầu này còn gọi thiên đầu thống thường do những nguyên nhân không nguy hiểm nhưng làm giảm chất lượng sống.
Chứng đau đầu này thường dễ bị chẩn đoán nhầm với đau đầu do căng thẳng, do viêm xoang, mỏi mắt… thế nên không ít người trị hoài không hết bệnh, chưa kể, đau đầu còn do dị dạng mạch máu não.
Mỗi chứng đau đầu có một nguyên nhân, trong số này, những cơn đau đầu do sinh hoạt ví dụ như gập cổ trong đánh máy vi tính, khuân vác nặng trên vai một bên, nhìn sát màn hình, thiếu ngủ, áp lực công việc… đều có thể điều trị dễ dàng bằng cách ngồi thẳng, mắt nhìn màn hình đúng khoảng cách, hạn chế khiêng đồ vật nặng trên vai…
Còn lại các trường hợp đau đầu thì tùy vào nguyên nhân mà tìm đến đúng nơi chữa bệnh, nếu do căng thẳng, mỏi mệt, nên đến bệnh viện tâm thần, do có khối u nên đến chuyên khoa thần kinh. Việc tự dùng thuốc chỉ làm “mờ” đi các triệu chứng mà bác sĩ cần biết để chẩn đoán.
Bình luận của bạn