Dinh dưỡng ở người chạy thận nhân tạo
Dư âm sau những ngày Tết, sau rằm tháng Giêng là những món ăn thịt cá nhiều đạm, nhiều loại bánh kẹo phong phú. Nhưng với những người bị bệnh suy thận phải lọc máu ngoài thận (chạy thận nhân tạo) hoặc đã ghép thận vẫn phải thực hiện một chế độ ăn phù hợp với bệnh để không xảy ra những biến chứng đột ngột làm mất đi niềm vui của cả nhà.
Khi thận đã bị tổn thương mạn tính sẽ dẫn đến suy thận. Biện pháp điều trị bảo tồn bằng chế độ ăn rất thấp đạm, đủ năng lượng và các thuốc cần thiết là nhằm ngăn chặn các biến chứng và làm chậm bước tiến của suy thận mạn. Khi điều trị bảo tồn không có hiệu quả thì phải điều trị thay thế thận suy bằng lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận.
Khi lọc máu chu kỳ thì ure, creatinin, axit uric sẽ được giảm xuống mức an toàn sau kỳ lọc, muối Na, K cũng được điều chỉnh tốt... Người bệnh sẽ thấy thoải mái hơn, ăn ngon miệng hơn và khỏe dần ra. Nhưng lọc máu cũng chỉ giải quyết được một số rối loạn cơ bản sau kỳ lọc 1- 2 ngày sau đó lại tăng nên phải lọc 3 lần/tuần; vì thế người bệnh không được ăn uống tự do thoải mái mà phải được kiểm soát theo các yêu cầu sau:
Những ngày không lọc máu người bệnh bị thiểu niệu nên kali máu dễ tăng do đó không thể ăn quá nhiều rau và hoa quả được. Còn natri và nước bị tích lại gây tăng thể tích tuần hoàn dẫn đến phù và tăng huyết áp nên cũng phải giảm lượng nước uống, giảm ăn mặn và mỳ chính.
Suy thận mạn cũng gây thiếu máu làm tăng cung lượng tim dẫn đến suy tim.
Qua màng lọc thận nhân tạo người bệnh cũng mất một số đạm và một số yếu tố vi lượng. Mất khoảng 3-4g đạm/mỗi kỳ lọc vì thế nếu cứ dùng chế độ giảm đạm (20g) như điều trị bảo tồn thì cân bằng nito âm tính gây suy dinh dưỡng, nhưng nếu nhiều đạm quá thì ure ở những ngày trước lọc tăng cao. Chế độ ăn phải đủ năng lượng, đủ đạm trong đó đạm động vật từ 50% trở lên, đủ vitamin và muối khoáng, hạn chế nước, Na, K và tăng cường Ca.
Nhu cầu dinh dưỡng trong một ngày của bệnh nhân chạy thận nhân tạo (cho người nặng 50kg).
Nhu cầu năng lượng (E): 35kcalo/kg/ngày x 50 = 1.750 kcalo.
+) Năng lượng từ chất đạm 15-20% .
+) Năng lượng từ chất béo 20%.
+) Năng lượng từ chất bột - đường 60-65%.
Nhu cầu đạm: 1,2g/kg/ngày x 50 = 60g. Đạm động vật từ 50% trở lên .
Nhu cầu chất béo: 20% tổng năng lượng (khoảng 36-38g/ngày).
Nhu cầu bột đường: 60-65% tổng năng lượng (khoảng 290-300g/ngày.
Nhu cầu nước và muối Na: 3,5-4g NaCl/ngày tùy theo có phù hay không. Không dùng thực phẩm chế biến sẵn, chỉ thêm muối vào thức ăn sau khi đã trừ muối trong thực phẩm. Khuyến nghị không nên tiêu thụ quá 2,4g natri/ ngày với người bình thường (tương đương với 6g Nacl). Nước cần 500ml + lượng nước tiểu đi ra hàng ngày. Mùa hè tăng gấp rưỡi.
Rau, hoa quả: 200g/ngày. Nếu vô niệu thì dùng ít hơn đề phòng tăng kali. Bổ sung vitamin B tổng hợp.
Một số loại thực phẩm giàu Na, kali nên hạn chế sử dụng:
Hoa quả: chuối tiêu, mãng cầu xiêm, mít dai, quả bơ đều có trên 300mg kali/100g; sầu riêng có 600mg kali/100g.
Rau: cần tây, giá đậu tương, măng chua, rau đay, rau dền đỏ, rau ngót, rau khoai lang, rau mồng tơi, rau dền cơm... đều có từ 300mg đến 600mg kali/100g
Thực phẩm khác: cua bể, tôm đồng, cua đồng đều có lượng natri cao từ 300mg đến 450mg/100g. Cá chép, cá hồi, cá ngừ, cá nục, cá trích đều có lượng kali từ 350mg đến 520mg kali/100g.
BS. Phạm Thị Thục
Bình luận của bạn