Luật sư y tế, anh ở đâu?

Gói bảo hiểm chậm triển khai vì quá đắt?

Nghị định 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, tuy nhiên đến nay hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh vẫn đứng ngoài cuộc, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm không mặn mà với gói bảo hiểm này. Nhiều bệnh viện tư nhân thu lệ phí khám bệnh cao cũng không để ý đến có nghị định "an toàn" dành cho bác sĩ như thế.

Chính vì vậy, khi có hàng loạt những khiếu kiện của gia đình bệnh nhân về những sai sót của bác sỹ trong quá trình khám, chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến chết người, khiến bác sỹ và bệnh viện phải đứng ra thương lượng với gia đình nạn nhân.

Nhiều vụ thương lượng mà người nhà nạn nhân cho rằng không thỏa đáng, kết luận nguyên nhân không đúng khiến gia đình nạn nhân hết sức bất bình và gây nên nhiều làn sóng dư luận đối với nghề y. Nhiều bác sĩ cho rằng đã đến lúc cần đẩy mạnh các gói bảo hiểm cho bác sĩ và các bác sĩ sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua bảo hiểm rủi ro cho mình.

Một bác sĩ ở bệnh viện Xanh Pon (chúng tôi xin dấu tên) cho biết nhiều lần ông cũng nhắc đến chuyện bảo hiểm nghề nghiệp khi có rủi ro xảy ra nhưng nhiều người không mặn mà vì lo sợ vin vào có bảo hiểm, các bác sĩ sẽ không làm việc công tâm hết mình. Khi tai biến xảy ra người nhà bệnh nhân cậy có gói bảo hiểm này sẽ khiếu kiện rất phức tạp. Điều mà nhiều bệnh viện không mặn mà một phần vì giá cao, một phần vì họ muốn để bác sĩ tự chủ trong công việc của mình.

Bảo hiểm nghề nghiệp với bác sĩ chưa đủ mà cần có luật sư riêng dành cho ngành y tế

Khi chúng tôi gọi điện cho hãng bảo hiểm phi nhân thọ Toàn Cầu cũng chỉ nhận được câu giải thích chủ trương thì có nhưng chưa có hợp đồng nào nên không thực hiện gói hợp đồng bảo hiểm rủi ro cho y khoa. Nếu trong trường hợp có hợp đồng, các công ty phải họp bàn nhau và xin phép Bộ Tài chính để cho tung ra gói sản phẩm đó. Thủ tục đăng ký cũng phức tạp mà giá thành cao, họ sợ bác sĩ không mua gói này. Không phải bác sĩ nào cũng muốn mua.

Cần có luật sư y tế

Còn về ý kiến của mình, ông Nguyễn Xuân Vinh - điều dưỡng trưởng khoa Tim mạch và Lồng ngực Bệnh viện Việt Đức nhìn nhận đến nay không cần gói bảo hiểm dành cho các bác sĩ vì thực tế các gói bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp khác cũng có rồi nhưng liệu các bác sĩ có đứng ra mua hay không?

Ông Vinh cho rằng nhìn lại các vụ việc đã qua, nhiều tai biến y khoa sau đó không được giải quyết khiến bác sĩ bị sốc phải từ bỏ dao mổ, hoặc nghĩ đến cái chết. Cái mà chúng ta cần hiện nay là một tổ chức đứng ra bảo vệ bác sĩ.

Hiện nay, ở nước ta khi có tai biến y khoa xảy ra không có một hội đồng khoa học độc lập nào đứng ra phân xử đúng sai. Còn bảo hiểm rủi ro, ông Vinh cho rằng nó không thể bảo vệ cho bác sĩ. Giống như bảo hiểm rủi ro của người lái xe. Họ chỉ chi trả trong trường hợp mình đúng và thực sự là rủi ro ngoài ý muốn. Còn trường hợp do sự tắc trách thì khó có thể đòi bảo hiểm bồi thường.

Điều mà ở các nước trên thế giới đang làm hiện nay rất tốt là bác sĩ gây tử vong cho bệnh nhân, Hội đồng khoa học độc lập vào chứng minh tử vong do bác sĩ thì bác sĩ phải ngồi tù. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, sau tai biến y khoa không có bác sĩ nào phải ngồi tù. Điều đó, ông Vinh cho rằng cũng là một hạn chế. Nếu có một hội đồng khoa học đánh giá độc lập đúng sai thì bác sĩ cũng không phải chịu nhiều áp lực đúng sai.

Hay như một số nước phát triển khác họ đã làm được đó là tổ chức ra một hội luật sư dành riêng cho ngành y tế gọi ngắn là luật sư y tế. Mỗi bác sĩ đều được hội luật sư này bảo vệ. Khi có tai biến xảy ra, luật sư là người phát ngôn, là người bảo vệ cho bác sĩ chứ không phải bác sĩ đứng ra thanh minh, giải thích như ở nước ta hiện nay.

Có lẽ, chúng ta đang thiếu hội này nên mỗi khi có tai biến y khoa xảy ra, dư luận, báo chí lại đổ dồn vào người bác sĩ và mọi phát ngôn đều không chính thống. Vì thế, áp lực từ truyền thông mang đến cho bác sĩ cũng rất nhiều. Khi hội đồng khoa học chưa kịp đánh giá đúng sai có bác sĩ đã phải xin từ bỏ nghề vì không chịu nổi cú sốc đó.
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý