Phòng ngừa ngộ độc nấm đầu xuân

Theo đó, để phòng ngừa ngộ độc do ăn phải nấm độc, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 282/ATTP-TT đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền về phòng tránh ngộ độc nấm nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số bằng tiếng dân tộc như tiếng Dao, Thái, H’mông trên sóng phát thanh tại địa phương.


Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, từ đỏ, xanh, vàng, lục, nâu...

Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên ở nước ta. Đây cũng là khu vực có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Theo thói quen, đồng bào vẫn thường hái lượm nấm để sử dụng trong bữa ăn. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành, nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình.

Theo đó, có nhiều phương pháp để nhận biết nấm độc, nhưng phương pháp đơn giản và dễ áp dụng nhất là nhận biết hình thái nấm (kết cấu mũ, thân và chân nấm) cũng như về màu sắc, mùi vị. Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, mùi vị thối, đắng. Ví dụ, với Amanita - một trong hai họ nấm độc thường gặp nhất là Amanita và Entoloma - thường có nhiều màu như trắng, vàng, nâu, xanh, lục... Đặc tính cơ bản nhất để phân biệt Amanita với các loài khác là nấm Amanita có đài (bao) ở chân nấm. Hay nấm Entoloma có bào tử màu hồng. Loại nấm Entoloma Lividum rất giống nấm rơm, chỉ khác là chân cuống không có đài nấm. Nấm Entoloma Lividum thường mọc trên bãi đất trong rừng, trên đất sét, hai ba cây một chỗ. Mũ nấm chất thịt, hình lồi rồi phẳng, đường kính 8 - 20cm; bờ cuốn vào trong, màu nâu nhạt hoặc xám; giữa có núm dày và rắn; có phấn, phiến nấm rời, màu xám vàng, bao tử màu hồng xám; cuống mập và to, lúc đầu đặc đặc, sau xốp, hình ống tròn hoặc có vảy ở chân cuống, mặt có dọc trắng, vảy vàng, thịt trắng. Khi đi hái nấm hoặc khi chế biến nấm cần lấy mẩu giấy trắng hứng bào tử nấm từ mũ nấm rơi xuống để giúp chúng ta có thể phân biệt với nấm độc.


Phân biệt nấm thường với nấm độc bằng màu sắc & hình thái

Cũng cần biết rằng, nấm là môi trường dinh dưỡng lý tưởng cho nhiều loại vi sinh vật. Bởi vậy, đối với những loại nấm không độc, nhưng hái về để lâu mới ăn, hay nấm đã hỏng, bị nhiễm bẩn mới sử dụng cũng dễ gây ngộ độc. Trong khi đó có một số loài nấm có chứa chất độc, nhưng chất độc đó không tan trong dịch vị dạ dày, nên cũng không gây ngộ độc. Tuy nhiên, những chất độc này lại tan trong rượu, nên nếu khi ăn nấm mà lại uống rượu thì cũng dễ bị ngộ độc.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp