Tăng cường đầu tư cho y tế biển đảo

Bên cạnh đó Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo cũng đề nghị ưu tiên đầu tư đóng mới 1 tàu bệnh viện để phục vụ cấp cứu trên biển; đầu tư để đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã cho các xã đảo, xã ven biển; đối với một số đảo biệt lập, đặc thù cho phép xây dựng phân hiệu của trạm y tế xã.


Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Phát triển và kiện toàn y tế biển đảo là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay. Chúng ta cần tập trung lựa chọn những vấn đề cấp thiết, ưu tiên để đầu tư trong bối cảnh nguồn lực tài chính có hạn như các vấn đề về nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, trang thiết bị máy móc, tàu, thuyền cứu nạn, thuốc men...”

Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, Đề án phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020 được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất từ 2013-1015; giai đoạn thứ hai từ 2016-2020. Để kịp thời ứng phó cho các tình huống cấp cứu khi bị nạn trên biển, Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo đã tăng cường công tác chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra.

Liên quan đến công tác y tế biểnđảo, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ Y tế đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ chế về cấp thẻ BHYT cho 100% người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo để trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Liên, hiện nay, những người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số... tại các xã đảo, huyện đảo vẫn đang được cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định chung. Tuy nhiên, Bộ Y tế mong muốn cần phải cấp thẻ BHYT miễn phí cho toàn bộ cư dân sống ở các xã đảo, huyện đảo. Bên cạnh việc nỗ lực xúc tiến chương trình cấp thẻ BHYT cho người dân trên các xã đảo, huyện đảo, Bộ Y tế cũng tăng cường triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị và nâng cao chất lượng KCB của các cơ sở y tế tại các đảo.

Báo cáo kết quả một năm triển khai và định hướng tiếp theo thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020,” ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho y tế biển đảo đã có nhiều cải thiện.

Viện Y học Biển đã triển khai 4 khóa chuyên khoa định hướng về y học biển cho cho 60 bác sỹ ngành giao thông vận tải, quân y; 4 khóa huấn luyện an toàn lặn biển cho 100 thợ lặn khu vực biển Đông Bắc; tổ chức một số lớp tập huấn cấp cứu trên biển cho hàng nghìn ngư dân khu vực phía Bắc, huyện đảo Lý Sơn; ký kết hai Hiệp định với đối tác là Cộng hòa Pháp và Tập đoàn Aqualung về việc đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ thiết bị lặn biển cho ngư dân Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã tăng cường kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe cho cư dân trên đảo, tổ chức cấp cứu cho 1.641 người (huyện Trường Sa là 44 người); khám bệnh cấp thuốc điều trị cho 32.072 lượt người; Phẫu thuật cho 758 bệnh nhân; khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 13.600 lượt người; tổ chức 5 chuyến bay trực thăng cấp cứu an toàn 7 bệnh nhân nặng từ đảo về đất liền, 8 chuyến tàu quân sự vận chuyển nhiều bệnh nhân an toàn về đất liền...

Khám chữa bệnh cho ngư dân biển đảo. Ảnh SK&ĐS.

Trang bị những kiến thức và trình độ về y học biển

Tại cuộc họp, nhằm đảm bảo công tác y tế cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển và ngư dân trên vùng biển thuộc huyện đảo Hoàng Sa của Việt Nam, các đại biểu của Bộ Quốc phòng, hải quân, quân y và Ủy ban QG Tìm kiếm cứu nạn đã cùng tham gia đóng góp ý kiến để tăng cường năng lực cứu chữa người bệnh trên biển, dựa trên các tàu cấp cứu trên biển, tàu có năng lực như một trạm xá với 12 giường bệnh, 1 phòng mổ có khả năng tiến hành phẫu thuật trên biển.

Trong trường hợp khẩn cấp có thể cấp cứu người bệnh tại các trung tâm y tế huyện đảo mà không cần đưa về đất liền. Thậm chí có thể sử dụng công nghệ cao như Telemedicine, trực tuyến trong chẩn đoán và điều trị ngay tại chỗ... Tất cả sẽ được kiện toàn trong đề án, trong đó một số dự án được các đại biểu yêu cầu triển khai như nâng cấp các cơ sở y tế ở Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Quân dân y huyện đảo Lý Sơn, Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, trang bị trang thiết bị y tế cho 2 bệnh xá nổi, 32 tàu vận chuyển cấp cứu gần bờ của lực lượng biên phòng, 8 tàu vận chuyển cấp cứu gần bờ của lực lượng cảnh sát biển...

Theo đó, nguồn nhân lực y tế phục vụ cho các lực lượng trên biển dự kiến sẽ được cụ thể hoá và tăng cường chuyên môn y tế biểnđảo. Bởi hoạt động y tế trên biển rất đặc thù nên người bác sĩ cần trang bị những kiến thức và trình độ về y học biển, chế độ phụ cấp ưu đãi còn thấp nên chưa thu hút được nguồn nhân lực. Các đại biểu đề xuất cần đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo thêm về y học biển, bởi những tình huống cấp cứu, đuối nước trên biển rất phổ biến.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý