Anh Đức Toàn (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, lúc 16 tuổi, anh từng mắc quai bị, rồi hai bên tinh hoàn sưng, đau. Bố mẹ không để ý, ở tuổi dậy thì, anh lại ngại ngùng và cũng không hiểu biết nhiều, nên mặc kệ.
"Sau ngày đó, tinh hoàn của mình đã dần teo, nhưng mình lại không để ý. Hồi thanh niên, cũng thấy tự ti vì cảm giác 'cậu nhỏ' rất bé nhưng chỉ lo bị bạn gái chê chứ chưa nghĩ đến chuyện khó có con. Đến lúc lấy vợ rồi, mãi không được làm bố, lại suy giảm ham muốn chăn gối nên mới đi khám", anh Toàn chia sẻ.
Anh cho hay, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy, anh không hề có tinh trùng, và cơ hội có con không nhiều.
Giáo sư Trần Quán Anh, giám đốc Phòng khám đa khoa tiết niệu và nam khoa Tâm Anh (Hà Nội) cho biết, teo tinh hoàn là bệnh thuộc nhóm gây vô sinh khó chữa ở nam giới.
Có nhiều nguyên nhân gây teo tinh hoàn. Hay gặp nhất là các trường hợp biến chứng viêm tinh hoàn khi bệnh nhân mắc quai bị. Khi đó, tinh hoàn thường sưng to, sau đó bị xơ và teo nhỏ. Tinh hoàn cũng có thể bị teo do viêm nhiễm tạp trùng, vi trùng lao. Một số trường hợp bị tinh hoàn lạc chỗ, không nằm tại bìu mà ở bụng, ống bẹn - nơi điều kiện không phù hợp cũng khiến tinh hoàn nhỏ dần. Ngoài ra, một số bệnh làm suy yếu đời sống tinh trùng như giãn tĩnh mạch tinh cũng ảnh hưởng đến kích thước tinh hoàn.
Theo giáo sư Trần Quán Anh, bình thường, tinh hoàn nằm trong bìu, nơi có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể một chút. Nếu tinh hoàn đi lạc chỗ, hay bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh, nhiệt độ vùng bìu tăng, ảnh hưởng đến sự sinh sản và phát triển của tinh trùng.
Tinh hoàn là bộ phận tập trung những tế bào mầm cơ bản (có nhiệm vụ sản sinh tinh trùng) và tế bào Leydig (có nhiệm vụ sản xuất hoóc môn testosterone- vị nhạc trưởng quyết định nam tính và khả năng phòng the, sinh sản của nam giới). Vì thế, khi tinh hoàn teo, tế bào sinh tinh ít đi, không sinh được tinh trùng, đồng thời lượng testosterone giảm, ảnh hưởng tới khả năng quan hệ tình dục và sinh sản.
"Nhiều người vẫn cho rằng không có tinh trùng do teo tinh hoàn thường là 'bản án tử' cho khả năng làm cha của nam giới, và không ít cặp vợ chồng tuyệt vọng, buông xuôi khi nhận kết quả này. Thực tế, trường hợp này đúng là rất khó chữa nhưng vẫn còn cơ hội", bác sĩ Quán Anh cho biết.
Trường hợp của bệnh nhân tên Hoàng (Hòe Nhai, Hà Nội) là một điển hình. Theo lời bác sĩ, khi đến khám lần đầu, lúc đang là sinh viên năm nhất Đại học Kiến Trúc (Hà Nội), Hoàng rất tự ti vì "cậu nhỏ" rất bé. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tinh dịch của anh không có tinh trùng. Khi khám, bác sĩ phát hiện tinh hoàn của anh chỉ nhỏ như hạt lạc (trong khi tinh hoàn bình thường có kích cỡ như hạt mít). Hoàng kiên nhẫn theo đuổi việc điều trị suốt mấy năm liền, từ lúc kích cho tinh hoàn to lên, rồi có tinh trùng và tinh trùng phát triển bình thường.
"Bẵng đi 2 năm không gặp chàng sinh viên ấy thì có hôm, mẹ anh ta - người đã dẫn con đi khám từ đầu, tìm đến viện gặp tôi cảm ơn và thông báo hai việc: con trai bà đã ra trường, đang làm kiến trúc sư và sẵn sàng thiết kế nhà giúp nếu tôi muốn xây mới; và cậu đã lấy vợ, có con", bác sĩ Trần Quán Anh kể.
Theo ông, điều trị vô sinh do teo tinh hoàn, suy sinh dục là cả chặng đường dài, và đòi hỏi người bệnh rất kiên trì, hợp tác tốt với bác sĩ. Hiện nay, với các trường hợp này, các chuyên gia có thể dùng thuốc kích tinh hoàn to lên, sau đó, tiếp tục quá trình kích để tinh hoàn sinh tinh trùng, tiếp đó là nuôi dưỡng tinh trùng đủ số lượng và chất lượng để có thể thụ tinh...
Bác sĩ cho biết, trong các trường hợp này, thường chế độ ăn uống không giúp ích được gì. "Nhiều người cầu kỳ đi tìm tinh hoàn dê, ngẩu pín bò... để ăn mong tăng sức mạnh phòng the và kích chất lượng tinh trùng... nhưng thực tế không tác dụng gì", ông nói.
Giáo sư Trần Quán Anh cho hay, cũng như bất cứ bệnh nào khác, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp làm tăng cơ hội thành công. Điều đáng nói là, hầu hết các trường hợp teo tinh hoàn đều chỉ đi chữa khi bị hiếm muộn sau một thời gian dài lập gia đình mà chưa có con.
"Nhiều phụ huynh rất quan tâm tới việc sinh con trai hay con gái nhưng lại không để ý tới việc chăm sóc cho bộ phận sinh dục và khả năng sinh sản của con từ nhỏ", giáo sư Quán Anh chia sẻ.
Trong khi đó, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ có thể phát hiện sớm
các bất thường ở bộ phận sinh dục của con, trong đó có bất thường về vị
trí và kích cỡ của tinh hoàn, và đưa trẻ đi khám sớm (nếu sờ vào bìu
không thấy có tinh hoàn, rất có thể tinh hoàn của trẻ bị lạc chỗ). Ngoài
ra, thông thường, kích cỡ của tinh hoàn sẽ phát triển mạnh ở tuổi dậy
thì (khoảng 13-15 tuổi), và giai đoạn này rất dễ phát hiện các bất
thường nếu có. Nên đi chữa trị ngay trong giai đoạn này nếu phát hiện
tinh hoàn teo nhỏ.
Bình luận của bạn