Nhiều bệnh nhi biến chứng nặng được điều trị tại đơn vị hồi sức nhi BV Nhi Đồng.
Thời điểm “căng thẳng” của trẻ vì bệnh hô hấp
Ghi nhận của Motthegioi cho thấy, tại các BV nhi, các khoa phòng về bệnh hô hấp đều “kín chỗ”. Nhiều giường bệnh có 2-3 trẻ nằm chung. Một số trẻ phải nằm nôi, võng dọc hành lang khoa điều trị.
Theo số liệu của các bệnh viện (BV), Tại khoa Hô hấp BV. Nhi Đồng 2 TP.HCM, trong tuần đầu tháng 10, trung bình mỗi ngày tiếp nhận thêm từ 35 – 40, có khi 50 bệnh nhi nhập viện nội trú vì bệnh hô hấp.
Số bệnh nhi nằm điều trị tại khoa cũng dao động từ 230-240 trẻ.
Còn tại BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM, ngay từ tháng 9, nhóm các bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản đã tăng 30% so với tháng trước và dự báo trong tháng 10 này, các bệnh về đường hô hấp sẽ vẫn còn ở mức cao.
BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp BV. Nhi đồng 2 cho biết, hiện đang là thời điểm “căng thẳng” nhất của các bệnh đường hô hấp như: viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi và suyễn.
Vì đâu nên nỗi?
Trẻ được xông khí dung để điều trị bệnh hô hấp.
Đưa con đến tái khám tại Khoa Hô hấp, BV. Nhi Đồng 1, TP.HCM, chị Trần Thị Phương (ngụ quận 10) buồn bã cho biết, cô con gái hơn một tuổi cứ “khò khè”, nhảy mũi mấy ngày qua khiến vợ chồng chị rất lo lắng.
Theo chị Phương, gia đình 4 người của chị phải sống trong một căn phòng chung cư cũ. Do đó, liên tục mấy ngày qua, dù trời trở lạnh và mưa nhưng gia đình vẫn phải bật quạt điện triền miên nếu không sẽ rất ngột ngạt.
Không giống như chị Phương, bé Gia Huy, 2 tuổi (ngụ quận Thủ Đức) phải nhập viện BV. Nhi Đồng 2 TP.HCM chỉ vì trời bất ngờ đổ mưa mà mẹ thì quên mang áo mưa. “Tôi đã lấy áo khoác trùm đầu cho cháu nhưng mưa lớn quá khiến cháu vẫn bị ướt. Chỉ từ chiều đến sáng hôm sau mà cháu phát sốt cao nên gia đình phải đưa cháu nhập viện. Các BS nói cháu bị viêm phổi và phải điều trị nội trú”, bà mẹ trẻ vừa bồng con vừa phân trần.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhiễm bệnh, trong đó hai ca bệnh kể trên là rất phổ biến trong các trường hợp nhập viện điều trị.
Các BS khoa Nhi nhận định, sau thời điểm tựu trường là điều kiện thuận lợi cho việc lây lan nhanh bệnh các bệnh về đường hô hấp và một số bệnh truyền nhiễm khác. Ngoài nguyên nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp, yếu tố thời tiết cũng là tác nhân vô cùng thuận lợi khiến trẻ đổ bệnh như nhận định của BS. Thu Loan: “Việc thời tiết mưa nắng thất thường dễ làm giảm sức đề kháng của trẻ và đây là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn”.
Trong khi đó, ThS. BS. Lê Nguyễn Thanh Nhàn, BV. Nhi Đồng 1 còn khuyến cáo thêm: “Các bậc phụ huynh cần cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vì hai bệnh này cũng đang ở vào mức cao của chu kỳ”.
Các bậc cha mẹ nên chú ý dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm nhiễm đường hô hấp chỉ là ho, có thể kèm theo sổ mũi, hắt hơi, sốt… Ở trường hợp nặng hơn, trẻ có thể biểu hiện khó thở rõ rệt hơn (thở nhanh, thở co lõm lồng ngực).
Biết cách phòng ngừa và chăm sóc trẻ
Trẻ sốt cũng là một dấu hiệu ban đầu của bệnh đường hô hấp.
Để phòng ngừa và chăm sóc trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, BS.Thanh Nhàn khuyên các bậc phụ huynh cần lưu ý thực hiện những biện pháp sau:
Giữ ấm trẻ đúng cách (trẻ nên được mặc quần áo mát mẻ khi trời nóng và giữ ấm khi trời lạnh; không để trẻ nằm gần quạt máy, nằm phòng máy lạnh quá lâu, không cho trẻ đi chơi dưới trời mưa, trời nắng gắt hay ngoài trời quá khuya;
Tắm trẻ bằng nước ấm khi trời lạnh; Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng;
Đối với trẻ nhỏ, cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời;
Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng;
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ;
Tránh không cho trẻ tiếp xúc với người có bệnh, nhất là người đang bị bệnh về đường hô hấp;
Tránh để trẻ hít khói bếp, khói than, khói thuốc lá.
Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh cần dùng thuốc theo toa của BS, không nên tự ý điều trị cho bé.
Đồng thời cần nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh trở nặng như: trẻ không uống được hoặc bỏ bú, ngủ li bì, sốt cao, thở bất thường nhằm đưa trẻ đến BV kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh đường hô hấp như cúm có mức độ lây nhiễm cao, khó kiểm soát, có thể gây dịch nguy hiểm trong khi trẻ em ở lứa tuổi nhỏ khi mắc bệnh thì diễn biến thường nặng và khó lường… Do đó, bệnh cần được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng, nếu không sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não, áp-xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong. |
Bình luận của bạn