Empty
Empty
Empty

Tại cuộc họp báo ngày 5/5/2023, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế.

Cách thời điểm này hơn 1.200 ngày, WHO đã ghi nhận thông tin về một chùm ca bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân tại Vũ Hán, Trung Quốc. Sau đó, các ca lây nhiễm lần lượt xuất hiện khắp châu Âu, rồi lan tới khắp các châu lục. Ngày 30/01/2020, theo tư vấn của Ủy ban Khẩn cấp được triệu tập theo Điều lệ Y tế Quốc tế, Tổng Giám đốc WHO đã tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC). Đây mức báo động cao nhất theo luật pháp quốc tế.   

Empty

Quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế đối với COVID-19 không hề dễ dàng. Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khẩn cấp COVID-19 diễn ra vào ngày 22-23/1/2020, sau đó diễn ra định kỳ nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh. Dựa trên việc phân tích dữ liệu một cách cẩn thận và cân nhắc thời điểm thích hợp để hạ thấp mức cảnh báo, phải đến cuộc họp lần thứ 15, quyết định này mới được đưa ra. Trong trường hợp cần thiết, WHO sẽ không ngần ngại triệu tập một Ủy ban Khẩn cấp khác nếu có sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm hoặc tử vong do COVID-19 trong tương lai.

Dù không còn là một PHEIC, virus SARS-CoV-2 gây viêm đường hô hấp cấp vẫn còn tồn tại, biến đổi với hàng trăm biến thể phụ. Tính đến ngày 3/5/2023, WHO ghi nhận hàng triệu người nhiễm và tái nhiễm COVID-19 mỗi tuần, số người nhập viện lên đến hàng chục nghìn và ước tính 3.500 ca tử vong. Dù con số này giảm đáng kể so với các làn sóng dịch trước đó, có thể nhận thấy COVID-19 vẫn là gánh nặng với ngành y tế nhiều quốc gia.

Empty

Giáo sư toán học Thomas House – Đại học Manchester (Anh) chia sẻ với Science Media Centre: "Việc chấm dứt PHEIC đối với COVID-19 không có nghĩa là căn bệnh này không còn hoành hành và gây tử vong nữa". Bệnh sốt rét, lao và HIV vẫn luôn là những gánh nặng lớn với sức khỏe nhân loại, dù chúng chưa bao giờ được coi là một PHEIC. Một trong 3 tiêu chí cấu thành nên PHEIC là một tình huống phát sinh là “nghiêm trọng, đột ngột, bất thường”. Tuyên bố chấm dứt PHEIC có nghĩa là đã đến lúc thế giới cần chính thức chuyển từ đáp ứng khẩn cấp sang một cách quản lý COVID-19 mới, lâu dài như các bệnh truyền nhiễm khác.

Ngày 3/5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố chiến lược mới trong phòng chống COVID-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này. Chiến lược mới sẽ duy trì hai mục tiêu của kế hoạch trước đó là: Giảm sự lây lan của dịch bệnh; Điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài. Kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ ba là hỗ trợ các quốc gia khi chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 một cách bền vững lâu dài hơn.

Empty

Hiện tại là năm thứ 4 COVID-19 diễn ra trên toàn cầu. Những ảnh hưởng mà đại dịch gây ra với sức khỏe nhân loại có thể nhận thấy ở từng cá nhân tới hệ thống y tế quốc gia và toàn cầu.

Empty

WHO định nghĩa hội chứng "COVID kéo dài" hay hậu COVID là hiện tượng các triệu chứng bệnh tiếp diễn hoặc phát triển những triệu chứng mới 3 tháng sau khi nhiễm virus; Các triệu chứng này kéo dài ít nhất 2 tháng. Ước tính ít nhất 17 triệu người ở châu Âu đã mắc hội chứng COVID kéo dài nhiều tháng kể từ khi khỏi bệnh sau lần mắc bệnh đầu tiên trong năm 2020 và 2021. Thế nhưng đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về hội chứng này. Các nghiên cứu ghi nhận, sau giai đoạn cấp tính của COVID-19, người bệnh có nguy cơ mất khứu giác và vị giác, khó thở, suy nhược, đánh trống ngực, viêm họng liên cầu khuẩn, chóng mặt, suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ - thường được gọi là "sương mù não." 

Một báo cáo trên tạp chí Cortex ghi nhận mối liên hệ giữa hội chứng hậu COVID với chứng mù mặt (gặp khó khăn trong nhận biết khuôn mặt). Một người phụ nữ mắc COVID-19 vào tháng 3/2020. Vào tháng 6, khi gặp lại gia đình lần đầu kể từ khi mắc bệnh, cô không nhận ra gương mặt của cha mình. Cô gái này là một họa sỹ vẽ chân dung bán thời gian, thế nhưng, cô nhận ra mình không thể ghi nhớ các khuôn mặt mà liên tục phải nhìn vào ảnh để vẽ. Cô cũng gặp khó khăn trong việc định hướng các không gian vốn quen thuộc, như cửa hàng tạp hóa gần nhà. Dù chưa tìm ra lời giải và nguyên nhân chính xác cho hiện tượng này, các nhà khoa học không thấy bất ngờ. Bởi tình trạng viêm nhiễm có tác động lớn tới não bộ như COVID-19 hay bệnh viêm màng não do vi khuẩn… có thể tác động tới cấu trúc và hệ thần kinh trung ương.

Empty

Hệ miễn dịch là cơ quan phòng thủ và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Khi virus, vi khuẩn, nấm hoặc các yếu tố gây bệnh khác xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công và phá hủy các tác nhân này. Các chuyên gia cũng cho rằng, rối loạn miễn dịch là nguyên nhân dẫn tới cơn bão cytokine và các biểu hiện dai dẳng trong hậu COVID-19.

Thông thường hệ miễn dịch có thể tự điều chỉnh, tuy nhiên khi mắc virus như SARS-CoV-2, hệ miễn dịch có thể bị rối loạn dẫn tới hình thành các bệnh lý tự viêm và tự miễn. Nhiều kháng thể tự miễn còn tồn tại dai dẳng trong cơ thể bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 và là nguyên nhân gây ra khởi phát các bệnh lý tự miễn mà trước đó chưa có khi bệnh nhân chưa nhiễm COVID-19 như: Lupus ban đỏ hệ thống; Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch; Viêm đa hệ thống ở trẻ em.  

Ngoài ra, ở trẻ nhỏ, thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19 như: Giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang... đã góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh thông thường. Trẻ chưa từng tiếp xúc với mầm bệnh không hình thành miễn dịch tự nhiên. Nên khi trở lại bình thường mới, cơ thể rất dễ bị tấn công bởi các virus, vi khuẩn lưu hành hằng năm như: Adenovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, thủy đậu, sởi…

Empty

Đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát đã khiến hệ thống y tế nhiều quốc gia, kể cả những cường quốc lớn, cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Ở giai đoạn đầu khi chưa có vaccine phòng bệnh, hàng triệu người không tiếp cận được các dịch vụ y tế thiết yếu, thiếu thốn từ giường bệnh tới thuốc điều trị, vật tư y tế như khẩu trang, máy thở, găng tay…

Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2023: Vaccine cho mọi trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho thấy, từ năm 2019 tới năm 2021, có tới 48 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm liều vaccine nào. Đứt gãy chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu đã làm suy yếu lớp phòng thủ đầu tiên trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nghiêm trọng hơn, lực lượng nhân viên y tế - "xương sống" của hệ thống y tế – cũng chịu ảnh hưởng lớn sau COVID-19. Chỉ trong 1 năm của đại dịch, đến tháng 5/2021, WHO ước tính có từ 80,000 - 180,000 nhân viên trong ngành đã tử vong liên quan tới COVID-19. Những người tiếp tục chống chọi với làn sóng dịch tại tuyến đầu cũng chịu áp lực nặng nề dẫn tới kiệt quệ cả về thế chất lẫn tinh thần. Hội đồng Y tá Quốc tế nhận định, kể từ khi đại dịch bắt đầu, hiện tượng sang chấn tập thể trên toàn cầu đã xảy ra với các y tá và điều dưỡng. Khối lượng công việc quá nặng nề cùng nỗi lo mắc bệnh, sức khỏe suy giảm hậu COVID… là một vài lý do khiến số lượng lớn nhân viên y tế toàn cầu quyết định nghỉ việc tạm thời hoặc rời bỏ công việc vĩnh viễn.

Báo cáo mới nhất của WHO cảnh báo, ít nhất 55 quốc gia trên thế giới đang phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế. Đặc biệt, nhu cầu về nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia phát triển, góp phần làm tăng tính dễ bị tổn thương ở các quốc gia thu nhập thấp, vốn đã thiếu hụt nhân lực. Hệ thống y tế với lực lượng nhân lực mỏng liệu sẽ chống chọi thế nào nếu một đại dịch giống COVID-19 xảy ra trong tương lại gần?

SK+ The gioi dang phuc hoi-11

Từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng, ngành y tế TP.HCM đã phát hiện nhiều biến thể phụ mới của Omicron bao gồm: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1. Đây là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được WHO xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm hoặc biến thể cần được theo dõi. So với đầu năm, số ca mắc COVID-19 trên cả nước có sự gia tăng trở lại. Đáng chú ý, hầu hết những ca nhập viện đều là người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có những người chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Từ kinh nghiệm đối phó với các làn sóng dịch trước đó, ngành y tế đã chủ động hơn trong ứng phó trước nguy cơ "dịch chồng dịch". Các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng… được giám sát và theo dõi chặt chẽ. Sau khi trở lại bình thường mới, các biện pháp 5K được nới lỏng, những bệnh truyền nhiễm thông thường rất dễ quay trở lại. Tính đến hết tháng 3, Hà Nội ghi nhận số ca 800 ca thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi nhận 11 ca.

Empty

Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển và gia tăng như tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng cảnh báo các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A(H7N9), A(H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.

COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế, nhưng vẫn là mối đe dọa lớn với sức khỏe. Ngoài ra, đây cũng không phải mầm bệnh duy nhất đã, đang và sẽ ảnh hưởng nặng nề tới hệ thống y tế của chúng ta. Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong mùa Hè, ngành y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tích cực tham gia bằng những hành động, việc làm thiết thực: Thực hiện tiêm chủng đối với những bệnh có thể phòng được bằng vaccine; Tổ chức diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường xung quanh nơi sinh sống. Những thói quen tốt được ngành y tế khuyến cáo trong thời gian đại dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách với người có biểu hiện nhiễm bệnh… tiếp tục nên được duy trì để phòng tránh cách bệnh lây nhiễm nói chung.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin