Thông thoáng, thuận lợi

Cửa đã mở chờ khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam

6 gợi ý cho kỳ nghỉ kết hợp hồi phục sức khỏe sau đại dịch COVID-19

Thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên

Đừng coi thường sức khỏe tinh thần!

Chị tôi, một nhà giáo nghỉ hưu, vào ngày 15/3 đã đưa lên trang facebook cá nhân hình ảnh anh chị trong một chuyến du lịch nước ngoài và lời nhắn nhủ ông xã “ bắt đầu mở cửa du lịch rồi N.L.T ơi “. Cái hẹn ngày 15/3 mở cửa trở lại hoạt động du lịch đã được đặt ra từ vài tháng nay. Đó là tin vui nhất trong vòng hai năm qua, như cách nói của một lãnh đạo Hiệp hội du lịch Việt Nam về ngày này. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì không chỉ là mở cửa trở lại du lịch mà là mở cửa trở lại sự giao lưu, giao thương của đất nước như trước đại dịch, sau hai năm trời phải tạm đóng vì đại dịch COVID-19. Ông yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Chỉ tiếc rằng sự kiện ngày 15/3 đã trôi qua mà không có một dấu ấn nào đậm nét trong khi tất cả, không chỉ du khách trong và ngoài nước, mà còn cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đều mong mỏi. Tất cả đều thấp thỏm chờ đợi những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng. Đến ngay như Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả cũng đến chiều 15-3 mới diễn ra. Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch ( VHTTDL), Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp hàng không. Các đại biểu dự hội nghị đều hoan nghênh chủ trương mở cửa du lịch quốc tế. Lãnh đạo Bộ VHTTDL nhấn mạnh thời điểm mở cửa vào 15-3 không phải trễ, phù hợp với các điều kiện trong nước khi Việt Nam đã nỗ lực bao phủ vaccine và rút kinh nghiệm qua 4 tháng thí điểm vừa qua.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - nêu ra khó khăn là dù đã có chủ trương mở cửa du lịch nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về xuất nhập cảnh cũng như quy định về cách ly y tế nên Đại sứ quán chưa thể cấp visa cho du khách.

Ông Mai Phước Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Singapore - cho biết không chỉ khách du lịch Singapore mà nhu cầu của các doanh nghiệp cũng rất lớn, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa qua. Tuy nhiên, ông cũng đồng ý rằng, các hướng dẫn về mặt y tế đưa ra quá chậm, điều này gây phản ứng thất vọng, thông tin từ Báo điện tử Chính phủ cho biết.

Được biết, Bộ Y tế vào sáng 15/3 đã gửi văn bản khẩn dự thảo Hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh để xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 , phản hồi bằng văn bản qua thư điện tử trước 17h cùng ngày để tổng hợp ban hành sớm theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Hướng dẫn được Bộ Y tế xây dựng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", đã được ban hành vào cuối ngày.

Untitled-1

Trên cơ sở đó, Phương án mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới được Bộ VHTTDL ban hành rất thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho du khách và tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động du lịch tại Việt Nam.

Cụ thể, đối với khách du lịch nội địa, thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Bộ VHTTDL khuyến khích các địa phương kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch nội địa; tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến, xây dựng sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn.

Đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72h nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24h nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp giấy chứng nhận.

Đối với khách nhập cảnh qua đường bộ, đường sắt, đường biển: Bảo đảm yêu cầu xét nghiệm như khách nhập cảnh qua đường hàng không. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2). Nếu kết quả âm tính được phép nhập cảnh và tham gia hoạt động du lịch, nếu dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Trẻ em dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 hoặc chưa nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố mẹ, người thân.

Khách du lịch phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng PC-COVID, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian du lịch Việt Nam.Khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10 nghìn USD.

 

 

Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, khách tự theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải thông báo ngay cho cơ sở y tế để được hướng dẫn và quản lý. Khách du lịch đồng thời bảo đảm quy định về xuất nhập cảnh theo quy định, các quy định liên quan khi du lịch tại Việt Nam.

Về chính sách thị thực: Thực hiện theo Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành ngày 25/3 về việc miễn thị thực cho công dân 13 nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus; theo Công văn số 1606/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ ngày 15/3/2022 về việc khôi phục chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quy định liên quan.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị Bộ Y tế cập nhật các quy định y tế đối với người nhập cảnh và hướng dẫn quy trình phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với đối tượng khách du lịch nhập cảnh. Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều tra, xử lý, các trường hợp nhập cảnh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại cửa khẩu đường hàng không, đường biển, đường bộ, đường sắt.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo tới các nước/vùng lãnh thổ về thủ tục, quy định nhập cảnh của Việt Nam. Theo dõi chính sách chống dịch của các nước để kiến nghị biện pháp thị thực phù hợp.

Các địa phương tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón và phục vụ khách bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, có phương án xử lý sự cố về y tế phát sinh liên quan đến hoạt động du lịch. Chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp về phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội