Công nghệ nào để dọn thứ “rác” này?

Xe chở rác đi qua là túi lớn túi bé rác lại xả ra ngõ

Nghiên cứu việc tiêm mũi 4, 5 khi cần thiết; Thêm địa phương điều chỉnh lịch học

Bộ Y tế giải trình lý do chậm mua vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Người nhập cảnh vào Việt Nam cần tuân thủ những quy định nào về y tế?

Nên kết hợp ăn sữa chua thế nào để tốt cho cơ bắp?

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, Bộ trưởng cho biết, cơ bản, pháp luật đã có đầy đủ, trong đó, quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TNMT làm gì, địa phương phải làm gì và hệ thống chính trị và người dân làm gì… Về xử lý chất thải rắn, Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ theo hướng thay đổi quan điểm thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang việc coi đây là một loại tài nguyên phải tái sử dụng, tái chế có hiệu quả.

Về công nghệ xử lý, trong năm 2022, Bộ TNMT sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải, qua đó nắm rõ hơn tình trạng môi trường trên cả nước hiện nay và sẽ công bố những công nghệ phù hợp để các địa phương chủ động lựa chọn. Nhưng công nghệ gì thì cũng sẽ theo hướng tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải biến thành năng lượng. Địa phương sẽ có hướng dẫn và sẽ lựa chọn để có cách thức xử lý phù hợp biến rác thành phân bón hoặc chuyển hóa thành, biogas, điện... Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về xử lý chất thải y tế có COVID-19 và chất thải y tế nói chung, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế.

chat-thai-ran-2

Chất thải rắn đang là một mối lo ngại đối với môi trường thủ đô

Bộ Y tế hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật, còn ngành TNMT hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom. Bộ TNMT đã cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này trong cả nước để cung cấp cho ngành y tế thời gian qua. Bộ trưởng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ TNMT cũng đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh trong vấn đề lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý. Qua nội dung trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành TNMT được phản ánh trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thì việc xử lý rác thải chủ yếu phải dùng đến công nghệ. Tuy nhiên, đang có một thứ rác rất phổ biến ở các đô thị, ngay cả ở Thủ đô Hà Nội, không biết có công nghệ nào xử lý được?

Xin dẫn một thông tin từ tờ báo của Thủ đô, tờ Kinh tế & Đô thị ngày 1/7/2021: Mô hình thùng rác công nghệ tại Hà Nội đã và đang tiếp tục được triển khai, không chỉ giúp nâng tầm mỹ quan đô thị mà còn thay đổi nhận thức của người dân trong việc phân loại rác và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mô hình này có thực sự phát huy hiệu quả vẫn là điều đáng bàn… Sau gần 1 năm rưỡi triển khai, mặc dù thuận tiện, hữu ích và có tính thẩm mỹ là vậy nhưng theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại một số điểm, thùng rác công nghệ chưa được sử dụng hiệu quả. Cụ thể, trên tuyến phố như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh thùng rác công nghệ dù đã được thiết kế tách biệt 2 ngăn, nhưng người dân vẫn bỏ rác lộn xộn. Tại một số thùng rác, người dân bỏ giấy cứng, vỏ lon, bao bì vào ngăn rác thải không tái chế được chú thích màu đỏ, trong khi đó rác thải sinh hoạt lại bỏ vào ngăn tái chế được chú thích màu xanh, làm giảm hiệu quả của thùng rác công nghệ.

thung-rac-2609202012

Thùng rác công nghệ dù đã được thiết kế tách biệt 2 ngăn, nhưng người dân vẫn bỏ rác lộn xộn (ảnh TTXVN)

Còn đây là thông tin được phản ánh trên ấn phẩm Thời nay của báo Nhân Dân ngày 17/1/2022: Những ngày qua, các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng và Pháo Đài Láng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) luôn trong tình trạng đất cát bay mù mịt khi trời nắng, bùn lầy nhớp nháp mỗi lúc mưa. Nguyên nhân là bởi các đơn vị chức năng đang khẩn trương thi công dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài tại đây.

Công trình đang triển khai, việc nguyên vật liệu, phế thải rơi vãi chắc chắn không thể khắc phục tuyệt đối. Thế nhưng, đáng sợ hơn là việc mỗi ngày, có tới hàng chục tấn rác thải không hiểu từ đâu, tập kết trái phép suốt dọc tuyến đường dài hơn 1km còn đang xây dở. Những đống rác lớn la liệt trên con đường này chủ yếu là phế thải xây dựng, đồ đạc cũ hỏng thải ra từ những căn nhà cũng đang gấp rút xây dựng đuổi theo tiến độ làm đường. Từ những chiếc giường, tủ lớn bị phá nham nhở, chăn đệm mốc thếch, cho tới những bao tải gạch vụn, bàn ghế cũ hỏng... đều được vứt thẳng ra đường. Thấy vậy, một số người thiếu ý thức còn mang thêm rác thải sinh hoạt hằng ngày ra đổ bừa bãi, tạo nên một cảnh tượng ngổn ngang, hỗn độn và mất vệ sinh khủng khiếp. Có những nơi, lối vào ngõ, ngách gần như bị bịt kín rác, chỉ còn chừa lại đúng một khe hở đủ cho xe máy ra vào.

Tôi sinh sống trong một con ngõ dẫn vào một làng cổ ở quận trung tâm Hà Nội. Con ngõ rộng, một bên là tường công viên, một bên là nhà dân. Vì là sát bên công viên, nhiều cây xanh, nên nói chung cảnh quan quang đãng, thông thoáng, mát mẻ, ít bụi bặm. Chỉ có điều ức chế là việc xả rác bừa bải. Con ngõ có một khúc quanh và đó là nơi xả đủ thứ rác sinh hoạt vào bất cứ lúc nào trong ngày, mặc dù UBND phường sở tại đã giăng ngay ở đó một cái biển đỏ to đùng: Không được đổ rác nơi này. Vi phạm phạt từ 5 đến 7 triệu đồng. Mặc dù là tấm biển đỏ của nhà chức trách nhưng nó không có hiệu lực. Người ta vẫn cứ xả rác. Loa phường thường xuyên nhắc nhở việc thu gom rác từ 5h chiều hàng ngày và xe rác vào giờ đó vẫn gõ chuông leng keng. Phường cũng thông báo có chỗ để tập trung rác thải rắn. Nhưng bất chấp. Xe thu gom rác có khi vừa đi qua chỉ nửa tiếng, đã có mấy túi rác tướng bung bét xả ra ngõ rồi. Để ý thấy nhiều người đi xe máy đến quãng đó là quăng túi rác, chạy theo túm lại không kịp. Hàng tuần, vào sáng thứ bảy, các chị trong hội phụ nữ tổ chức quét dọn ngõ nhưng cũng chỉ được vài tiếng không có rác.

bot-2

Đổ trộm vật liệu xây dựng cũng đang là vấn nạn của thủ đô (Ảnh Kinh tế đô thị)

Các cụ thân sinh ra tôi sống ở một con ngõ thuộc quận Hai Bà Trưng. Ngõ to, hai ôtô tránh nhau được, lại thông ra hai con phố lớn. Có dạo, tầm hai ba giờ sáng đang ngủ chợt nghe tiếng động ầm ầm, tiếng xe ôtô tiến lùi rồi ào ào trút xuống thứ gì đó. Sáng ra thì thấy một đống rác xây dựng to đùng choán hết ngõ. Chỉ khổ bác tổ trưởng dân phố lại phải đi vận động quyên góp để dọn đống xà bần.

 

 

Chuyện đổ rác được đem ra kháo trong lúc trà dư tửu hậu. Bạn tôi, sống trong một khu dân cư cao cấp, toàn biệt thự sang, ở một quận ven đô, cũng ngán ngẩm. Ôsin hàng xóm hay đem túi rác sang đặt trước cửa nhà mình!

Trở lại cuộc trả lời chất vấn của Bộ trưởng TNMT, theo ông điều quan trọng là phải phát huy được trách nhiệm của người dân, các cơ chế chính sách, các cơ chế tài chính và phải xã hội hóa được công việc xử lý chất thải. Vâng, thưa Bộ trưởng, những gì mà tôi thấy, tôi hóng được ở trên, quả đúng điều quan trọng, đầu tiên chính là ý thức trách nhiệm của mọi người. Thiếu cái đó thì những đống rác xả bừa bãi kia không có thứ công nghệ nào xử lý được!

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý