Đừng coi thường sức khỏe tinh thần!

Sức khỏe tinh thần (mental health) càng cần được quan tâm trong đại dịch COVID-19 này!

Tại Sài Gòn, trước năm 1975, khi nói đến “sức khoẻ tinh thần”, người ta thường nghĩ đến hai “nhà thương điên” - Bệnh viện Biên Hòa và Chợ Quán. Tôi có người bạn học, sau này làm phó giám đốc Bệnh viện Chợ Quán (tất nhiên sau năm 1975 không còn là nhà thương điên nữa!), nhưng nhắc đến anh trong các cuộc họp mặt bạn học cũ, mọi người dường như đều “ái ngại” cho anh! Đơn giản trong tiếng Việt từ “tâm thần” là “điên”, “khùng”, “mất trí”… Hồi nhỏ vào học tiểu học tôi đã thích dòng chữ trên bảng “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Cho nên bạn đọc cho phép (và nên dùng) cụm từ “sức khỏe tinh thần” nếu phải dịch từ thuật ngữ tiếng Anh “mental health”.

Lãng quên hay xem thường?

Sức khỏe tinh thần là một trong những lĩnh vực y tế bị lãng quên nhất trên toàn cầu. Điều này đúng trước COVID-19 (coronavirus), càng đúng hơn khi COVID-19 xảy ra và đúng hơn nữa khi phải “sống chung” với COVID-19.

Có một số lý do tại sao sức khỏe tinh thần đã bị bỏ qua. Theo nhà nghiên cứu sức khỏe tinh thần - tiến sỹ Rialda Kovacevic hiện đang làm việc tại Bộ phận nghiên cứu Các công cụ ngừa COVID-19 và Củng cố hệ thống y tế toàn cầu thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) - cho rằng lý do đầu tiên là sự phân biệt đối xử với căn bệnh về tinh thần. Thứ hai là nhận thức về rối loạn sức khỏe tinh thần như một thứ “hàng xa xỉ phẩm”, trái ngược với những căn bệnh thực tế khác. Ngoài ra mô hình dịch vụ về sức khỏe tinh thần bị lẻ mẻ và lỗi thời. Hiện nay dịch vụ chăm sóc sức khẻ tinh thần chỉ có tại các bệnh viện tâm thần, thiếu trầm trọng các dịch vụ sức khỏe tinh thần dự phòng. Nguồn nhân lực chuyên về lãnh vực này cũng rất thiếu hụt, trên phạm vi toàn cầu. Tất nhiên ở Việt Nam chúng ta gần như bỏ trống lãnh vực này.

0132_637527143448173613

Các vấn đề về sức khỏe tinh thần bị cố tình lãng quên

Các con số… "thần kinh”

Khi nhân loại vẫn phân biệt đối xử với sức khỏa tinh thần thì số ca bệnh càng tăng lên kinh ngạc. Theo báo cáo của bác sỹ Riola Kovacevic, những con số đáng giật mình: Ngày nay, gần 1 tỷ người sống chung với chứng rối loạn tâm lý, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp, hơn 75% người mắc chứng rối loạn tâm lý không được điều trị. Hàng năm, gần 3 triệu người chết do lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát. Khoảng 50% các rối loạn sức khỏe tinh thần bắt đầu từ 14 tuổi. Ước tính có hơn 160 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo về sức khỏe tinh thần vì xung đột, thiên tai và các trường hợp khẩn cấp khác. Tỷ lệ rối loạn tâm lý có thể tăng gấp đôi trong những cuộc khủng hoảng như vậy. Ví dụ tại Ukraine hiện nay, các chuyên gia tâm lý ước tính cứ 5 người thì có 1 người rơi vào tình trạng rối loạn sức khỏe tinh thần.

Đại dịch làm tăng 25% người bệnh về tinh thần

Trong thời gian hai năm dịch bệnh các tin nhắn trong zalo, messenger (bạn bè nước ngoài), và SMS của tôi hơn 90% mang nội dung liên quan đến sức khỏe tinh thần, nghĩa là những lo lắng, buồn, xuống tinh thần, trầm cảm, mất ngủ… Câu hỏi thường xuyên giữa chúng tôi: Uống bao nhiêu thực phẩm chức năng an thần, bao nhiêu thuốc ngủ, uống rồi có sao không, có nghiện không? Ngồi thiền có bớt trầm cảm, lo lắng không? Đột nhiên các bài giảng về thiền của cố thiền sư Nhất Hạnh và sách của ông bị cháy hàng… (trước và sau khi ông viên tịch). Trên truyền hình VTV chính thức cũng tràn ngập các quảng cáo về thuốc an thần, ngủ ngon, bớt lo lắng... Tại 6 bệnh viên dã chiến 10,11, 6,3,8 gần nhà tôi, ở thành phố Thủ Đức, ngày nào cũng vang lên tiếng kinh cầu - Công giáo và Phật giáo, đến nỗi tôi quen thuộc và khi các bệnh viện giải tán sau dịch, thỉnh thoảng tôi bỗng dưng thấy nhớ. Tôi nghĩ các bệnh nhân COVID-19 đã phần nào bớt gánh nặng lo âu, hồi hộp khi có niềm tin.

Bác sỹ Tô Xuân Lân, chuyên khoa 2 ngành Tâm thần học, Trưởng phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì con người càng cần phải chăm sóc sức khỏe tinh thần nhiều hơn, nếu muốn vững vàng để tồn tại.

ImageForNews_701873_16425202639617300

Sức khỏe tinh thần của chính các nhân viên y tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng của hệ thống y tế trên toàn cầu. Để hệ thống y tế đạt được sự bền vững, chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh mẽ là điều cần thiết. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu chỉ có thể được coi là mạnh nếu chúng đáp ứng được cả hai yếu tố cấu thành sức khỏe: thể chất và tinh thần. Do đó, các dịch vụ sức khỏe tinh thần phải được tích hợp vào hệ thống y tế. Chúng cần được bao gồm trong các gói phúc lợi chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Theo WHO, cứ 1 USD đầu tư vào sức khỏe tinh thần sẽ mang lại 4 USD lợi tức. Ví dụ như ở Ukraine, quốc gia hiện nay (tháng 3/2022) đang lâm vào chiến tranh, người ta ước tính rằng trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2030, nước này có thể tiết kiệm được 2 USD cho năng suất phục hồi và giá trị kinh tế gia tăng, nếu đầu tư 1 USD vào việc điều trị các chứng rối loạn tinh thần thông thường.

Ngày 2/3/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thông báo chính thức về nguy cơ sức khỏe tinh thần trong đại dịch: Trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%. Các phát hiện trong báo cáo mới của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho thấy tình trạng suy giảm sức khỏe tinh thần nghiêm trọng nhất diễn ra ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 - nơi có tỷ lệ nhiễm cao và tương tác xã hội bị hạn chế.

Bác sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết: “Thông tin mà chúng tôi có được về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe tinh thần của thế giới hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tedros nói với các nhà báo ở Geneva rằng “những lời cảnh tỉnh đến tất cả các quốc gia hãy quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần và làm tốt hơn nữa công việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần của người dân. Tác động của đại dịch vượt xa cái chết và bệnh do chính virus gây ra”. Bản đồ Sức khỏe tinh thần gần đây nhất của cơ quan Liên Hợp Quốc cho thấy rằng vào năm 2020, các chính phủ trên toàn thế giới trung bình chỉ chi hơn 2% ngân sách y tế của họ cho sức khỏe tâm thần.

Social_Distancing.format-jpeg.jpegquality-75

Cách ly xã hội là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng của sức khỏe tinh thần

Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam còn ít hơn 2%. Nhiều quốc gia thu nhập thấp cho biết có ít hơn một nhân viên chăm sóc sức khỏe tinh thần trên 100.000 dân.

“Trong khi đại dịch đã tạo ra sự quan tâm và lo lắng cho sức khỏe tinh thần, cũng cho thấy lịch sử đầu tư quá ít vào các dịch vụ sức khỏe tinh thần. Các quốc gia phải khẩn trương hành động để đảm bảo rằng hỗ trợ sức khỏe tinh thần luôn sẵn sàng cho tất cả mọi người ”, Dévora Kestel, Giám đốc Cục Sức khỏe tinh thần và Sử dụng chất gây nghiện của WHO kết luận.

Cách ly xã hội

WHO cho rằng căng thẳng chưa từng có do sự cô lập xã hội là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng của sức khỏe tinh thần. Cô đơn, đau khổ và những cái chết trong gia đình, đau buồn sau khi mất cùng với những lo lắng về tài chính, cũng là những yếu tố chính thúc đẩy lo lắng và trầm cảm. Vợ của bạn tôi - người bị chết vì COVID-19 hồi tháng 8/2021 tại TP.HCM, cho đến nay vẫn chưa phục hồi thể trạng tinh thần, thậm chí gần 7 tháng sau khi chồng mất, chị vẫn đóng cửa, không tiếp xúc với người ngoài. Không cần điều tra xã hội, chúng ta cũng cảm nhận được đây là trường hợp không cá biệt.

Báo cáo của WHO nêu rõ đối với nhân viên y tế, tình trạng kiệt sức là nguyên nhân chính dẫn đến ý định tự tử. Kế đến là phụ nữ và thanh niên bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt là những người từ 20 - 24 tuổi, bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người lớn tuổi - báo cáo cũng cho thấy rằng những người trẻ tuổi có nguy cơ tự tử và tự làm hại bản thân một cách không cân xứng. Cũng dễ hiểu khi chứng minh rằng những người có tình trạng sức khỏe thể chất từ trước, chẳng hạn như hen suyễn, ung thư và bệnh tim, có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng rối loạn tinh thần hơn.

z3232906358177_3a6233d54cf7c3fd3f84808394b8771b

Tác giả thăm Bệnh viện đầu tiên của thế giới - phế tích Askelepion ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019

Bệnh tâm lý bắt nguồn xa xưa

Nói COVID-19 gây ra nhiều hơn các ca bệnh tinh thần, thì không sai, nhưng cũng “oan ơi ông địa” cho cơn đại dịch thế kỷ này. Từ xa xưa bệnh tâm lý đã là “bệnh nền” của các bậc vua chúa, quý tộc. Năm 2019, tôi đã đi thăm bệnh viện đầu tiên của thế giới – phế tích Asklepion, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tôi vốn không tin lắm các huyền thoại “đầu tiên”, chỉ ngạc nhiên thời cổ đại, dân số rất ít, mà người ta vẫn bị các chứng bệnh về tâm lý. Con người sinh ra vốn có thân xác và tâm hồn, cả hai đều chịu tác động của thời gian và không gian, và không thể tránh được bệnh tật. Nhưng dường như người cổ đại coi trọng bệnh tâm lý nhiều hơn bệnh về thể xác. Cũng dễ hiểu bởi vì lúc đó khoa học chưa phát triển, con người phải dựa vào tâm linh để sống. Trong kinh”Địa tạng”, Phật Thích Ca từng dạy: Chúng sinh có người có thể tránh thân bệnh, nhưng không ai tránh được tâm bệnh.

Giữa hai hàng cột đầy dấu thời gian, tôi dọc theo một lối đi gồ ghề, lởm chởm đá, tìm về phế tích Asklepion, mà người hướng dẫn giới thiệu là “bệnh viện đầu tiên trên thế giới”. Ở đây những người La Mã giàu có đã đến để chữa bệnh, trong đó có hoàng đế Marcus Aurelius. Nơi yên tĩnh này vẫn giữ được yếu tố thanh bình của quá khứ, mùa xuân thiêng liêng vẫn còn phảng phất đâu đó trong mưa. Một trung tâm chữa bệnh có thể nói là đầu tiên của thế giới La Mã cổ đại, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” , với nhiều cột đá ngàn năm còn nguyên. Tôi vào thẳng “đường hầm giấc mơ” dưới lòng đất là nơi được sử dụng như phòng điều trị và buồng ngủ, một dấu hiệu cho thấy giấc ngủ là không thể thiếu trong quá trình chữa bệnh thực sự. Asklepion giống như một spa hiện đại hơn là một bệnh viện: liệu pháp bao gồm tắm bùn, hòa nhạc và uống nước từ đài phun nước thiêng. Nói chung là những phương pháp thư giãn tinh thần.

Hướng dẫn viên du lịch nói nhỏ bên tai: “Cách đây ngàn năm người ta chỉ chữa bệnh tâm lý qua việc đoán các giấc mơ mà các nhà phân tâm học như Freud hay Carl Jung bây giờ đang áp dụng. Chú nên đọc thêm sách về phế tích này, thú vị lắm!”. Nhưng khá lâu sau khi về nhà tôi mới tìm đọc thêm về phế tích được cho là bệnh viện đầu tiên của thế giới này.

Trở lại thiên nhiên

Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý nói: Thiên nhiên là một trong những cách chữa bệnh tâm lý hữu hiệu. Những người dân vùng núi như Bhutal hay Tây Tạng, mặc dù không giàu có, nhưng lại là những người lành mạnh nhất thế giới về mặt tâm lý và tinh thần. Họ sống gần gũi thiên nhiên và tôn trọng tự nhiên.

 

 

Hiện tượng du lịch nội địa “cháy hàng” khi giãn cách được nới lỏng gần đây, giải thích điều gì? Phải chăng người ta cảm thấy nhẹ nhàng, phấn khích hơn, khỏe hơn khi gần gũi thiên nhiên, sống giữa cảnh đẹp quê hương? Người người chen chân đi chơi sau khi nới lỏng chính là mọi người muốn chữa bệnh tinh thần khi được trở lại gần thiên nhiên. Cảnh trí đẹp thay thắng cảnh chung quanh ta cũng là phương pháp tuyệt vời giúp con người vượt qua những căng thẳng vì đại dịch hay chiến tranh và kinh tế. Hiện tượng giá vàng tăng chóng mặt khi chiến tranh ở Ukraine nóng lên từng ngày, là dấu hiệu “leo thang” các căn bệnh tinh thần. Đặc diểm của con người là “lo xa” và nếu thái quá, thì cũng có nguy cơ tạo ức chế tâm lý gây ra các căn bệnh thể chất khác như bao tử hay ung thư đại tràng. (Khi học môn tâm lý học ở trung và đại học , tôi đã được học những điều cơ bản này, mà không cần phải là một bác sỹ). Một cách giúp con người bớt căng thẳng là tụ hội, gặp gỡ, hàn huyên - nói chung là giao tiếp xã hội. Tuy vậy, giao tiếp xã hội hay gặp gỡ đông người lại là tác nhân truyền bệnh. Cho nên, giữa “thiên nhiên” và “giao tiếp xã hội”, thì sự chọn lựa tốt nhất chính là “trở lại thiên nhiên”.

Ai đáng quan tâm?

Như trên đã nói, Phật giáo cho rằng con người có thể tránh được các căn bệnh thể lý, nhưng không ai tránh được bệnh tâm lý. Một trong cách trị loại bệnh này là “tụng kinh cầu nguyện” (tất nhiên, đối với một Đạo). Ngạc nhiên là trong cầu nguyện, Phật giáo khuyên nên cầu cho các nhà lãnh đạo, vì nghề nghiệp khiến các bậc lãnh đạo rơi vào căng thẳng thường xuyên. Đọc hồi ký cố Tổng thống Nga Boris Elsin “Nhật ký nửa đêm” thấy rõ những áp lực tâm lý triền miên của nhà lãnh đạo. (Đọc thêm: “Nhật ký nửa đêm: Cuộc chạy marathon của tổng thống, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001).

Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, dưới thời TT Trump, từng kêu gọi các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng đọc cuốn sách năm 2011 có tựa "Bệnh khùng xếp hạng đầu: Khám phá mối liên hệ giữa khả năng lãnh đạo và bệnh tâm thần” của Tiến sỹ Nassir Ghaemi, một giáo sư tâm lý học người Mỹ gốc Iran tại Trường Y Đại học Tufts và là giám đốc chương trình rối loạn tâm trạng tại Trung tâm Y tế Tufts ở Boston (Đọc thêm:Nassir Ghaemi: A First-Rate Madness: Uncovering the Links Between Leadership and Mental Illness ,Nxb Penguine Publishing, NY, 2012). Điều này cho thấy người ta quan tâm sức khỏe tinh thần của các nhà lãnh đạo thế nào. Trong cuốn sách này, tác giả có đoạn đã viết: "Những người lãnh đạo thuộc dạng lạc quan, hướng ngoại, tràn đầy năng lượng, thì cần ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi đêm và có nhiều ham muốn tình dục hơn hầu hết chúng ta. Loại tính cách này được gọi là chứng cường máu, và nó thường xảy ra ở những nhà lãnh đạo vĩ đại, như Franklin Roosevelt và John F. Kennedy”. Khi viết bài này tôi cố gắng đọc lại cuốn sách này, nhưng chỉ có thể khái quát rằng: nếu các đối tượng như phụ nữ và thanh niên, nhân viên y tế hiện nay bị tâm lý nhiều nhất, thì cảnh báo này, còn bỏ quên một thành phần (dù rất ít) nhưng lại ảnh hưởng an nguy tối hậu, là các nhà lãnh đạo toàn cầu. Sức khỏe tinh thần của những nhà quyết định chính sách, đặc biệt trong khủng hoảng, là ưu tiên số 1 của thế giới bất định hiện nay.

Đối với Việt Nam chúng ta, liệu cảnh báo của WHO có ảnh hưởng tích cực đến các dịch vụ sức khỏe tinh thần, khi sống chung với COVID-19, và về lâu dài khi trạng thái “đang phát triển” của quốc gia khiến người dân trở nên “dễ vỡ” trước những mối lo thường nhật, và khiến “sức khỏe tinh thần” trở thành tác nhân giấu mặt của những cơn bệnh thể xác khác?

 

TS. Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa