Chiến tranh và hoà bình

Bức tượng đồng Puskin ngay cạnh Cung điện mùa Thu

F0 tiến sát mốc 100.000 ca/ngày, gần 3.900 bệnh nhân nặng đang điều trị

Ngăn thiếu máu cục bộ thoáng qua trở thành đột quỵ não

Bộ Y tế chính thức phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi

Nghiên cứu mới: Ăn nhiều rau không giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Lần sang Nga xem World Cup 2018, tôi và mấy anh em người Việt tìm đến viếng mộ Puskin ở Saint Petersburg. Trong đoàn có đủ thành phần, từ nhà báo đến doanh nghiệp, nhưng tất cả ai cũng mê đắm đại thi hào Nga với những bài thơ tình kiệt xuất.

Bạn tôi, nhà báo Thuận Phong của VTV, thốt lên khi đứng trước bức tượng đồng Puskin ngay cạnh Cung điện mùa Thu: “Tiếc quá, ông ấy chết quá sớm, nếu không thế giới còn được thừa hưởng nhiều tác phẩm bất hủ”.

Đúng vậy, Puskin chết ở tuổi 37, bởi một "cuộc chiến tranh cá nhân", đấu súng với tình địch.

Tôi yêu Puskin, hẳn bạn cũng thế. Hoàng Thôn - tên tiếng Việt của thị trấn Puskin quá đẹp và nên thơ. Hướng dẫn viên kể rằng thời phát xít Đức tấn công vào Saint Petersburg và Hoàng Thôn, nơi đây hoang tàn, đổ nát. Nhưng, sức dân cùng những bộ óc vĩ đại đã từng bước phục dựng lại để một Hoàng Thôn - Cung điện mùa Thu - thị trấn Puskin lại tỏa sáng. Hình ảnh những người dân đào hố chôn những cổ vật Cung điện mùa Thu khỏi bị quân thù tàn phá, vẫn được lưu giữ, rất lay động.

Dân tộc Nga đã hy sinh rất nhiều để góp phần giúp nhân loại tránh thảm hoạ phát xít. Dĩ nhiên lúc đó Ucraine chưa tách ra khỏi Liên bang Xô Viết. Và, dù chiến thắng phát xít nhưng dân tộc Nga và nhân loại cũng phải chịu đau thương quá nhiều. Cho đến thời điểm này, thực tế là vẫn còn quá nhiều mối liên hệ thiêng liêng giữa Nga và Ucraine. Hầu như bất cứ người Nga nào cũng có người thân ở Ucraine, và ngược lại. Chính vì vậy, nỗi đau của người dân hai nước càng nhân lên gấp bội trước "chiến dịch quân sự đặc biệt", khiến máu đang đổ trong cuộc chiến vốn dĩ là giữa những người anh em của nhau. Những người yêu chuộng hoà bình đang cầu mong cuộc chiến chấm dứt. Bởi, đại dịch COVID-19 đã gây quá nhiều đau thương cho nhân loại. Các nước, trong đó có Nga và Ucraine cũng đã có nhiều động thái để cùng chia sẻ, hỗ trợ nhiều quốc gia gặp khó khăn vì dịch bệnh, gây cảm kích.

 

 

Và năm đó, tôi đứng ở bên điện Kremlin, rảo bước ở Quảng trường đỏ lẫm liệt, lòng vui mừng với người dân Nga khi họ đã nỗ lực tổ chức thành công một kỳ World Cup tuyệt vời. Tôi tận mắt cảm nhận những luồng sinh khí mới về kinh tế và tư duy đang thổi lên đất nước Nga mênh mông, vốn bị phương Tây cấm vận lâu năm. Nhưng sau chiến dịch quân sự đặc biệt này, những lệnh trừng phạt dồn dập đối với Nga mà chúng ta thấy trong những ngày qua, chắc chắn sẽ khiến Nga ảnh hưởng nghiêm trọng. Dĩ nhiên, người dân Nga và Ucraine là đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong chúng ta hẳn nhiều người đã đọc Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoy. Càng có tuổi, ở thời 4.0 nghiền ngẫm lại pho tiểu thuyết sử thi này càng thấy thông điệp mở rộng, đặc biệt không quá buồn luỵ, bế tắc. Cuốn tiểu thuyết cho ta cảm nhận rằng, dù cuộc đời có tất cả những nỗi kinh hoàng như thế, nhiều nhân vật phản diện và những tên vô lại, thể nào thì những kẻ đó cũng giành được điều mà chúng muốn. Có điều sau khi cân đong đo đếm vào phút chót thì người tốt vẫn nhiều hơn kẻ xấu; hạnh phúc và bình an vẫn nhiều hơn cay đắng và hận thù, mặc dù không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhân loại đang dần để lại ở phía sau những điều tồi tệ nhất mà nó mang trong mình.

Tôi đàm đạo cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ucraine, cha tôi dặn: "Bất cứ điều gì xảy ra thì con đừng quên những ân tình mà dân tộc Nga dành cho chúng ta. Người Nga rất tốt, đôn hậu và bác ái".

Chiến tranh, dù là do bất cứ lý do gì đi nữa, đều đi trái nguyện vọng của nhân loại. Cầu mong súng đừng nổ, máu ngừng rơi giữa người Nga và Ucraine, bởi, với thế giới, đau khổ vì dịch dã cũng quá đủ rồi.

Thảo Uyên
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết