Rau lá xanh: Các loại rau lá xanh như bông cải xanh, cải rổ, cải bó xôi là nguồn thực phẩm dồi dào carotenoid như lutein và zeaxanthin. Các dưỡng chất này có tác dụng chống oxy hóa, giúp giữ đôi mắt khỏe mạnh. Khi chế biến rau lá xanh, không nên nấu chín nhừ, tránh hao phí các chất chống oxy hóa tốt cho thị lực.
Rau củ đa màu sắc: Ngoài rau lá xanh, các loại rau củ có màu sắc đa dạng như cà chua, khoai lang, cà rốt, ớt chuông, bí ngòi… cũng cung cấp đa dạng các chất chống oxy hóa như beta-carotene, giúp bảo vệ đôi mắt của trẻ.
Các loại hạt: Hạt dẻ cười, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, lạc giàu vitamin E, giúp giảm nguy cơ cận thị ở trẻ em. Cùng với hàm lượng omega-3 dồi dào, nhóm thực phẩm bổ mắt này còn giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt.
Cá và dầu cá: DHA chiếm tỷ lệ cao trong võng mạc, có nhiệm vụ ngăn ngừa các vấn đề về mắt. Dầu cá chiết xuất từ cá thu, cá hồi, cá ngừ là nguồn cung cấp DHA tốt cho thị lực. Cha mẹ nên cho trẻ ăn cá đều đặn, đồng thời bổ sung dầu cá để cải thiện sức khỏe đôi mắt.
Hạt họ đậu: Các chất chống oxy hóa và kẽm dồi dào trong hạt họ đậu có thể ngăn ngừa các tổn thương ở võng mạc. Không phải trẻ nào cũng thích ăn các loại đậu, tuy nhiên, cha mẹ nên cố gắng bổ sung đậu đen, đậu lăng… vào chế độ ăn của trẻ.
Ngũ cốc nguyên hạt: Thay vì các món bánh ngọt, đồ ăn chứa nhiều tinh bột tinh chế, bữa ăn của trẻ nên có các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bánh mì nguyên cám. Đây là nguồn vitamin E, B3 và kẽm cần thiết cho thị lực khỏe mạnh.
Trứng: Trứng là thực phẩm dễ chế biến thành các món ngon mà trẻ yêu thích. Ngoài ra, trong trứng còn giàu vitamin A, protein và lutein giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, duy trì cấu trúc và chức năng của mắt.
Trái cây: Trẻ nên ăn trái cây hàng ngày, bởi đây là nhóm thực phẩm cung cấp vitamin C, vitamin A, carotenoid, lycopene và anthocyanin cần thiết cho mắt. Cha mẹ nên cho trẻ ăn kết hợp hoa quả nhiều màu sắc như nho, cam, xoài, đu đủ, cà chua…
Quả bơ: Trong các loại trái cây nhiệt đới, quả bơ giàu lutein và vitamin E. Bơ có thể ăn cùng bánh mì, xay sinh tố, làm các món tráng miệng vừa hấp dẫn lại tốt cho thị lực của trẻ.
Thịt bò: Protein từ thịt nạc như thịt bò, thịt gia cầm hoặc thịt lợn là dưỡng chất cần thiết cho mắt. Trong đó, thịt bò được đánh giá cao nhất nhờ hàm lượng kẽm dồi dào. Kẽm giúp vận chuyển vitamin A tới mắt, giữ mắt khỏe và phòng ngừa quáng gà.
Vitamin và thực phẩm bổ sung: Trường hợp trẻ biếng ăn, hoặc không thể hấp thu đủ dinh dưỡng từ thực phẩm, cha mẹ nên trao đổi ý kiến bác sĩ về các loại vitamin cần thiết cho thị lực. Thực phẩm bổ sung dưới dạng siro, nước ép, cốm… phù hợp với khẩu vị của trẻ hơn.