Cảnh báo về tình trạng thuốc kháng sinh gây phản ứng có hại

Đây là thông tin cảnh báo được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI & ARD Quốc gia) tại hội nghị tổng kết hoạt động cảnh giác dược năm 2013 diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội.


Theo Trung tâm DI & ARD Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2013, trong tổng số 3.522 báo cáo về các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại, có 1 báo cáo về mỹ phẩm, 2 báo cáo về thuốc trừ sâu, còn lại là 3.519 báo cáo liên quan đến 4.401 loại thuốc (với tỷ lệ 1,25 thuốc/1 báo cáo).

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, có 4 nhóm thuốc chính hay gây ra phản ứng có hại gồm: nhóm thuốc kháng sinh; thuốc điều trị lao; thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm; thuốc điều trị sốt rét.Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu, sáu đại diện của nhóm thuốc kháng sinh nghi ngờ gây phản ứng có hại của thuốc nhiều nhất gồm: cefotaxim, ceftriaxon, ceftazidim, ciprofloxacin, cefuroxim và amoxicilin/clavulanic.

Một số loại thuốc khác cũng gây ra phản ứng có hại điển hình như: nhóm thuốc điều trị lao (streptomycin); nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm như paracetamol và diclofenac; thuốc điều trị sốt rét như primaquin. Trong tất cả các loại thuốc trên, thuốc cefotaxim được báo cáo nhiều nhất (chiếm hơn 12%).Phân tích về vấn đề này, dược sỹ Phạm Thị Mai Trang (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) cho hay, phản ứng có hại của thuốc có thể làm những người bệnh tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí và ảnh hưởng chất lượng điều trị.

Đặc biệt, các phản ứng có hại của thuốc thường biểu hiện như mẩn đỏ, ngứa toàn thân, bong tróc da (chiếm tỷ lệ nhiều nhất, 10-14%), tiếp đó là sốt, nhức đầu, chóng mặt, men gan tăng, rối loạn tri giác, đau khớp...

Dược sỹ Trang phân tích, đa số các biến cố liên quan đến thuốc xảy ra khi bệnh nhân được điều trị hơn hai loại thuốc, nhất là những bệnh nhân được điều trị bệnh lao.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nêu rõ, theo định hướng của chính sách quốc gia về dược năm 2011-2020, tầm nhìn 2030, ngành dược phấn đấu ngoài nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo luôn sẵn có đầy đủ các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh và giá thuốc hợp lý, thì việc bảo đảm kê đơn, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn hiệu quả là vấn đề then chốt, luôn cần phải đẩy mạnh.

Theo ông Cường, thời gian tới, việc quy hoạch và hoàn thiện hệ thống cảnh giác dược trên phạm vi toàn quốc, với mục tiêu kịp thời phân tích phát hiện đánh giá những phản ứng có hại của thuốc, dự báo phòng tránh những tác dụng không mong muốn của thuốc, bảo đảm an toàn cho người sử dụng thuốc đã được xác định mang tính chiến lược trong giai đoạn tới.

Vì vậy, tại hội nghị, các chuyên gia trong lĩnh vực dược khuyến cáo các bác sỹ lâm sàng cần khai thác kỹ hơn về tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân, cần ghi chép lại đơn thuốc xuất viện trong các hồ sơ bệnh án; Đối với hoạt động của các nhà thuốc, cần có chính sách quản lý chặt chẽ việc bán thuốc theo đơn.

Đặc biệt, đối với người dân, các chuyên gia nhấn mạnh cần có chính sách hỗ trợ, truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc cho hợp lý.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất