Nhà sản xuất thực phẩm chức năng cần có phương pháp định lượng riêng

Việc ghi nhãn dinh dưỡng chưa được quy định bắt buộc áp dụng tại Việt Nam?

Mỹ: 19% doanh nghiệp TPCN vi phạm Quy tắc thực hành sản xuất tốt hiện hành (cGMPs)

Những lợi ích khi thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng

Nghị định 15 và 4 câu hỏi còn bỏ ngỏ về sản xuất Thực phẩm chức năng

Tinh chất lá xoài được sản xuất ở đâu tại Việt Nam?

Ms. Soi: Đối với người tiêu dùng (NTD), thực phẩm nói chung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải bảo đảm chất lượng dinh dưỡng. Theo ông, luật pháp đã có quy định gì và doanh nghiệp phải công bố chất lượng thế nào?
Mr. Lách: Hiện đã có Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7088:2002 về hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng. Bộ Y tế cũng đã ban hành: Quy chuẩn Việt Nam QCVN 11-2:2012/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích y tế đặc biệt cho trẻ em đến 12 tháng tuổi; Quy chuẩn Việt Nam QCVN 11-1:2012/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em đến 12 tháng tuổi; Quy chuẩn Việt Nam 11-3:2012/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, việc ghi nhãn dinh dưỡng chưa được quy định bắt buộc áp dụng vì chỉ là TCVN. Vì vậy, chỉ những sản phẩm nhập khẩu hoặc sản phẩm trong nước tự nguyện áp dụng ghi nhãn dinh dưỡng có ghi nhãn dinh dưỡng. 
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7088:2002, các giá trị dùng để công bố chất dinh dưỡng phải là các giá trị khối lượng trung bình của các giá trị đặc trưng thu được từ phép phân tích các mẫu sản phẩm đại diện cho sản phẩm được ghi nhãn. Giới hạn sai lệch cần được thiết lập dựa trên đối tượng sử dụng, thời hạn sử dụng của sản phẩm, độ chính xác của các phương pháp phân tích, sự biến đổi trong quá trình chế biến, tính không ổn định vốn có và sự biến đổi của chất dinh dưỡng trong sản phẩm, đồng thời cũng phải tuỳ thuộc vào việc chất dinh dưỡng được bổ sung vào sản phẩm hay có mặt một cách tự nhiên trong sản phẩm. Mặt khác, Nghị định (NĐ) 185/2013/NĐ-CP lại quy định: Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng nói chung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải chú ý quy định này của NĐ 185 để khỏi bị quy là hàng giả.
Ms. Soi: Nhưng nhiều chất dinh dưỡng thường biến đổi rất nhanh và rộng trong khoảng vòng đời chất lượng sản phẩm. Vậy doanh nghiệp sản xuất nên làm thế nào?
Mr. Lách: Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thường, không phải là thực phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng, nên công bố hạn sử dụng tốt nhất hơn là ghi nhãn hạn sử dụng theo NĐ 43/2017 về ghi nhãn hàng hóa. Vì tại mục 1, Phụ lục 3 của nghị định này có quy định: “Hạn sử dụng theo quy định tại khoản 11 Điều 3 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP còn được thể hiện bằng: Hạn sử dụng cuối cùng (Expiration date hoặc use by dates) và hạn sử dụng tốt nhất (Best if used by dates hoặc Best before dates)”. Thực ra, đối với thực phẩm bao gói sẵn, sau hạn sử dụng cuối cùng, sản phẩm có thể vẫn an toàn còn chất lượng có thể giảm đi ít nhiều, chẳng hạn đang là loại 1 xuống loại 2 và vẫn còn giá trị sử dụng. Thứ hai, nhà sản xuất phải theo dõi định kỳ các chỉ tiêu chất lượng đã công bố trên nhãn để kịp thời xử trí và thay đổi nội dung ghi nhãn cho hợp pháp. Thứ ba, nhà sản xuất thực phẩm chức năng nên xây dựng phương pháp thử riêng của mình vì hiện nay chưa có các phương pháp thử định lượng chính xác các hoạt chất sinh học trong các sản phẩm có thành phần hỗn hợp nhiều thành phần. Giống như việc phân tích các thành phần trong bê tông và công thức cấu tạo của các thành phần cấu tạo gồm xi măng, cát sỏi, đá… không bao giờ giống nhau. 
Các nhà sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Mỹ và nhiều nước chỉ ghi công thức thành phần cấu tạo mà không ghi nhãn dinh dưỡng, bởi vì ngay sau khi phối trộn và chế biến, chỉ tiêu của các chất dinh dưỡng đã bị giảm đi tương đối. Do đó, nhà sản xuất phải có công thức riêng để tính định lượng thực tế so với định lượng thành phần của chất bổ sung được đưa vào ban đầu. Định lượng thực tế này cần được công bố trong khoảng sai số cho phép là chỉ tiêu chất lượng chủ yếu hoặc chỉ điểm chất lượng để phân biệt với định lượng của chất đó trong thành phần cấu tạo ban đầu. 
Ms. Soi: Trong khi các cơ quan kiểm nghiệm chưa có phương pháp thử chuẩn thì việc công bố kết quả kiểm nghiệm thực tế mà không có công thức quy ngược lại định lượng thành phần ban đầu, các nhà sản xuất có phương pháp thử riêng của mình làm thế nào để cơ quan có thẩm quyền công nhận, thừa nhận?
Mr. Lách: Nhà sản xuất có thể thuê bên thứ ba, giám sát quá trình sản xuất từ khâu cân đo hàm lượng từng thành phần cấu tạo ban đầu qua các khâu chế biến đến khi hoàn thành sản phẩm và lấy mẫu sản phẩm cuối cùng để kiểm nghiệm thực tế và tìm ra công thức quy đổi ra định lượng thành phần ban đầu. Các nhà sản xuất chưa có phương pháp thử của riêng mình như trên chỉ nên công bố định lượng các thành phần cấu tạo chính mà chưa nên công bố giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm của mình. Việt Nam chưa có QCVN, tiêu chuẩn về chất lượng đối với TPCN, đặc biệt là đối với các nguyên liệu và thảo mộc, dược liệu dùng trong sản xuất TPCN. Cho nên việc xây dựng các phương pháp thử định lượng hoạt chất chính hoặc chỉ điểm chất lượng là việc cần làm ngay đối với nhà nước cũng như nhà sản xuất.
Lời tòa soạn: Hoàn thiện các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả quản lý ngành thực phẩm chức năng. Hội nghị Quốc tế về Thực phẩm chức năng tới đây do Hiệp hội Thực phẩm chức năng và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức (dự kiến ngày 22/11/2018 tại Grand Plaza, Hà Nội) rất mong nhận được các nghiên cứu báo cáo, tham luận khoa học để hoàn thiện các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn cũng như các vấn đề khác để hướng đến mục tiêu đưa ngành Thực phẩm chức năng thành ngành Y tế, Kinh tế mũi nhọn!
Tạp chí Thực phẩm chức năng vinh dự là đơn vị Bảo trợ thông tin cho Hội nghị. Tạp chí mong muốn là cầu nối để đưa những nghiên cứu, báo cáo, tham luận của Quý doanh nghiệp, Quý nhà khoa học... đến với cộng đồng! Vui lòng liên hệ với Tạp chí để có thêm thông tin chi tiết về Hội nghị này!

Chí Thiện H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất