Y tế từ xa (Telemedicine)
Khái niệm Telemedicine xuất hiện năm 1970, có thể hiểu một cách đơn giản là: Với Telemedicine, bác sĩ chỉ cần ngồi trong phòng làm việc và nhấp chuột để nhận đầy đủ các thông tin về bệnh nhân, từ đó thực hiện chẩn đoán và tư vấn điều trị. Trên diện rộng, Telemedicine còn giúp tăng cường khả năng khai thác tài nguyên y học (thiết bị, chuyên gia, dữ liệu...), từ đó hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, tư vấn và hội chẩn từ xa.
Y tế từ xa đã sớm được áp dụng ở các nước phát triển như Nga, Anh, Mỹ, Pháp, Đức... từ những năm 1990 và ngày nay bắt đầu có mặt ở các nước đang phát triển. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có một số quốc gia đã triển khai thành công Telemedicine như Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan...
Dịch vụ đặt lịch khám trực tuyến (Healthcare booking online service)
Sự kết hợp giữa loại hình đặt lịch trực tuyến với các dịch vụ Y tế đã thay đổi hoàn toàn cách thức kết nối, làm việc giữa bác sĩ- bệnh viện/phòng khám với bệnh nhân. Người dùng internet có thể lựa chọn nơi khám chữa phù hợp với khu vực địa lý, tình trạng sức khỏe và điều kiện tài chính của mình.
Nhờ loại hình dịch vụ mới mẻ này, mọi người có thể đạt được sự chủ động tối đa trong việc chăm sóc sức khỏe cho gia đình và bản thân như thế. Họ không chỉ chủ động lựa chọn địa điểm, thời gian, dịch vụ y tế phù hợp, mà trên hết, họ đã chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân ngay khi cơ thể chưa bị các loại bệnh tật làm phiền.
Hiện nay, dịch vụ này đã trở nên phổ biến ở các nước có kinh tế, CNTT phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ… với một loạt các trang đặt lịch khám nổi tiếng như ZocDoc, DocDoc, Singhealth… Tại Việt Nam, dịch vụ đặt lịch khám trực tuyến đã có những bước đi đầu tiên và có tiềm năng phát triển không nhỏ trong thời gian tới.
Chăm sóc sức khỏe trên điện thoại di động (Mobile Health)
Với sự phát triển của ngành công nghiệp ứng dụng trên điện thoại di động (ĐTDĐ), chỉ với một chiếc smartphone hay máy tính bảng, bác sĩ có thể truy nhập vào sổ y bạ của bệnh nhân; giám sát lịch sử sử dụng dược phẩm và đưa ra lời khuyên phù hợp.
Tính đến nay, đã có hơn 10.000 ứng dụng y tế, sức khoẻ xuất hiện trên thị trường. Phổ biến hơn cả là các loại ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cá nhân như: ứng dụng tư vấn ăn kiêng, ứng dụng dành riêng cho nam giới/nữ giới, ứng dụng chuyên dụng cho nhóm bệnh nhân bị Gout hay tiểu đường…
Việc phối hợp sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động với các công nghệ y tế cao cấp còn mang đến cơ hội hồi phục cho nhiều bệnh nhân: Tháng 5.2012, nữ bác sĩ người Mỹ- Aimee Copeland bị mất tay, chân và bàn chân sau khi bị nhiễm một loại vi khuẩn ăn thịt. Tháng 6 này, cô đã có bàn tay nhân tạo mới, có thể định vị được nhờ một ứng dụng iPad.
Rõ ràng, đây là một thị trường tiềm năng khi số người sử dụng smartphone sẽ tăng nhanh ở nhiều quốc gia. "Health Mobile" có thể sẽ là con gà đẻ trứng vàng của những người phát triển ứng dụng ĐTDĐ.
Bình luận của bạn