Không phụ công người chăm bón, khu vườn đã trả lại cho người trái ngọt.
10 dấu hiệu trên mặt tiết lộ sức khỏe đang có vấn đề
11 rủi ro tiềm ẩn trong những chai vang bán tràn lan trên thị trường
Có phải tiêm vaccine cúm khiến tôi bị ốm?
Cẩm nang du lịch Tết Dương lịch: Muốn khỏe, hãy mang theo 8 thứ này
Sáng chủ nhật, chị Huyền hẹn tôi sang khu vườn LoveGarden mà chị và những người có tâm huyết đã bỏ công bỏ sức từ vài năm trước. Thăm quan khu vườn mát mắt với những luống rau chạy dài đang cho thu hái, những cây xoài, cây mít trĩu quả, những luống hoa ngập tràn sắc màu đã thực sự cuốn hút tôi. Đi dọc theo con đường mòn dưới những dàn mướp, dàn bầu, đậu rồng, bạn chẳng muốn ngừng chân bởi cái màu xanh mát mắt đó đã cuốn bước chân bạn. Cuối khu vườn, khu chuồng trại ríu rít gà, lợn được nuôi thả tự nhiên trong khu rào được quây sẵn. Thức ăn của chúng cũng được chọn lọc, từ rau cỏ vườn trồng, không tăng trọng, không chất kích thích. Khu vườn đã thực sự trở thành điểm đến của nhiều gia đình mỗi ngày cuối tuần.
Thay đổi thói quen thưởng trà – sao bạn không thử?
Dừng chân dưới tán cây si, chị Huyền mời tôi tách trà Sibechaga. Trong câu chuyện trên điện thoại, chị bảo chị có một loại trà thảo mộc mới, rất thích và rất cuốn hút người uống bởi cái vị nhăn nhẳn của mướp đắng rừng. Với một người thích uống trà như tôi, đó là lời mời gọi vô cùng hấp dẫn.
Thế nhưng, tôi không khỏi thất vọng khi nhìn chén trà hòa tan được đặt trước mặt dù chúng được pha trong một chiếc ấm hoa sen vuốt tay cầu kỳ và được rót vào những chiếc chén thú vị. Trà hòa tan không thể đem lại cảm giác thư thả như khi bạn được nhìn những cánh trà/nhánh thảo mộc bung nở trong cốc, khi nhìn màu sắc của trà đậm dần trong ấm. Nhưng rồi, khi nhấp một ngụm mới thấy, điều chị nói không sai, cái vị thảo mộc của mướp đắng rừng, thậm chí là của nấm chaga từ rừng bạch dương xứ lạnh vẫn còn được lưu giữ trọn vẹn trong ly trà man mát đó. Trà nhăn nhẳn đắng nhưng lại đậm vị nơi cổ họng, khiến người ta cảm nhận được hương vị của thiên nhiên.
Những tách trà thảo mộc man mác đó đã chinh phục được cả những ẩm khách khó tính
Nhấp một ngụm trà, chị Huyền thong thả mà rằng: Nhiều người vẫn có thói quen thưởng trà pha ấm, mà không biết rằng, các loại trà đó, dù là trà mạn, trà xanh hay trà thảo mộc, nếu không được pha hãm đúng cách sẽ không tách được hết những dưỡng chất của nó và cơ thể khó có thể thụ hưởng hết những giá trị của thảo mộc. Còn trà hòa tan thì sao? Với công nghệ hiện đại, nhà sản xuất đã tách chiết được những hoạt chất tốt nhất cho sức khỏe con người từ thảo mộc, làm thành dạng cốm dễ tan, dễ hấp thụ vào cơ thể mà vẫn lưu giữ được toàn bộ hương vị thiên nhiên của chúng. Vậy nên, sao mình không thử thay đổi một chút thú thưởng thức của mình để tận dụng được toàn bộ lợi ích từ một loại thảo mộc nào đó.
Nhấp thêm ngụm trà từ núi rừng, vị man mát từ núi rừng thấm đẫm khoang miệng, tôi chợt hiểu, cái thú của thưởng trà của những người làm nghề chăm sóc sức khỏe cộng đồng như chị Huyền cũng vô cùng đặc biệt: Tận dụng hết những lợi ích từ sản phẩm mà không bỏ đi cái thú của mình: Được thưởng trà giữa một khung cảnh yên bình như chốn đây.
Đất không phụ công người
Câu chuyện bên ly trà Sibechaga dần xoay quanh việc trồng trọt cấy cày, chẳng đơn giản chút nào. Chị Huyền cười mà rằng: Năm nay được mùa, trồng cây gì cũng được thu hoạch. Từ cà chua, rau củ đến dưa lê rồi đến lạc đều cho trái khiến mình thêm tin tưởng vào kỹ thuật mình đã kiên trì theo đuổi. Chứ cứ như những năm trước, nản lắm.
Để có mảnh vườn như thế này, chị Huyền cùng những người nông dân yêu đất đã phải bỏ rất nhiều công sức
Chuyện là, 5 năm trước, khi tiếp nhận mảnh đất gần 5ha bên bờ sông Cà Lồ này, chị Huyền đã mong muốn xây dựng một khu vườn chuyên canh rau được trồng theo phương pháp tự nhiên nhất như cha ông ta ngày trước nhằm cung cấp cho gia đình, bạn bè những ngọn rau xanh non, an toàn. Thế nhưng, từ mong ước đến thực tế là cả một khoảng cách dài, khó khắc phục.
“Nhìn mảnh đất, ban đầu tôi cứ nghĩ là cứ trồng đi, chỉ cần áp dụng phương pháp tự nhiên như ông cha ta trồng xưa kia là được. Nhưng thực tế nào có như mình mong muốn”, chị Huyền cho biết.
Chị Huyền kể, mới nhìn thì cứ tưởng trồng là được, nhưng khi bắt tay vào mới thấy, đất cát non, tơi xốp nhưng lại không giữ nước. Tưới bao nhiêu nước vào mà vẫn khô, “chẳng khác gì đổ nước vào cát sa mạc vậy”. Luống còn chẳng đánh nổi, hễ mưa là sạt, tưới quá nước cũng sạt, thì cây gì cũng chẳng trồng được. Hỏi các hộ dân xung quanh thì họ bảo, đất bãi này không thể trồng rau, chỉ trồng dưa lê và lạc là hợp thôi. “Giữa vùng rau Đông Anh mà không thể trồng rau, mình như ngẩn ngơ sau khi nghe những điều mà những người nông dân vừa chia sẻ. Nhưng thứ mình cần là rau”.
Đất được cày xới thật kỹ
Không đầu hàng, chị Huyền quyết tâm cải tạo đất. Đổ đất phù sa sông Hồng cũng là một giải pháp nhưng không phải là giải pháp hữu hiệu, chỉ được vài vụ rồi lại như trước, lại phải đổ thêm một lớp đất phù sa mới nên chị Huyền đã làm theo lời khuyên của những người nông dân xung quanh: Mỗi luống rau đều được làm đất kỹ lưỡng rồi được trải các loại phân chuồng được ủ hoại mục cùng với trấu, rơm, tro hun từ trấu… Các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đều bị loại bỏ. Và kết quả năm đầu “thật thảm hại” như chị chia sẻ. Các loại rau đã không lên được thì chớ, mà lên được ngọn nào thì sâu ăn rỗng hết lá. Trồng cà chua thì nấm bệnh, mấy chục luống cà chua mà chẳng thu nổi vài chục cân. Mà có thu thì sâu đầy trong ruột, không ăn được.
“Nhìn cả vườn rau mà đau lòng, nhưng mỗi lần nhớ đến những tài liệu mình đã đọc được, nhớ đến những câu chuyện chia sẻ của những chuyên gia y tế hàng đầu về các căn bệnh mạn tính không lây là mình lại tự động viên mình để cố. Không chỉ mình cần những sản phẩm rau củ quả đủ chất lượng mà còn gia đình, anh em, bạn bè và những người mong muốn có sản phẩm chất lượng nữa, thế nên mình lại cố gắng”.
Rải phân chuồng ủ mực, vôi bột... để cải tạo, duy trì đất
Duy trì cách cải tạo đất với phân chuồng ủ mục, rơm, trấu, tro hun, vôi bột… chị Huyền quyết tâm tìm cách cải tạo đất, cải tạo khu vườn của mình, cách bắt sâu, bảo vệ cây, rau khỏi côn trùng có hại. Năm thứ hai, rau bắt đầu lên được, sâu đỡ hơn chút nhưng chủng loại rau còn ít. Nhiều hôm, muốn ăn mà rau chẳng có đủ cho chính mình ăn chứ đừng nói là khách. Điểm cộng là rau ngon, ngọt, giòn, ai ăn rồi cũng thích. Biết mình đi đúng hướng, chị Huyền càng quyết tâm hơn.
Đến năm thứ 3, đất đã không phụ công người. Đất bắt đầu có rêu xanh, thể chất bắt đầu đồng nhất hơn và trồng gì cũng lên, dù chưa được như mong muốn. Năm sau các vụ rau càng nhiều hơn năm trước. “Cà chua sai trĩu, bầu sai như đàn lợn con, rau ngót lên ổn, ngay giữa mùa hè mà vẫn trồng được cải bó xôi. Và đặc biệt trong khi xung quanh mất mùa dưa lê dù phun thuốc các kiểu, thì vườn nhà mình dưa vẫn lên, quả to và ngọt dù bón mỗi phân chuồng hoại mục, phủ nylon luống và tưới nhỏ giọt. Rồi lứa lạc sẻ đỏ Bắc Kạn đợt vừa rồi nữa chứ, hạt nào hạt nấy chắc mẩy, ăn rất thích”, chị Huyền cười thật tươi.
Nên đất đã không còn phụ người, trả lại những luống rau xanh non, ngọt giòn
Gần 5 năm đánh vật với đất, chấp nhận không hóa học, chấp nhận thất thu, cứ kiên định với hướng đi: trả lại dưỡng chất cho đất, nhất định đất không phụ mình, chị Huyền đã thu được trái ngọt. Những luống cà chua trái vụ vẫn còn cho thu hái. Những dàn mướp, dàn bầu lúc lỉu. Những luống rau xanh mát mắt cho thu hái hàng ngày. Hơn thế, khu vườn LoveGarden mà chị dành bao tâm huyết đã trở thành điểm đến cuối tuần cho nhiều gia đình có con nhỏ quanh Hà Nội. “Niềm vui của những em bé, sự an tâm của bố mẹ là phần thưởng lớn nhất cho những người đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ như mình”, chị Huyền cho biết.
Câu chuyện của chị Huyền chỉ dừng lại ở những khó khăn trong việc cải tạo đất để có một cơ sở nông nghiệp hữu cơ đúng nghĩa. Thế nhưng, ẩn sau đó còn vô vàn khó khăn trong việc đưa những sản phẩm hữu ích này đến với khách hàng. Không phải khách hàng nào cũng tin tưởng rằng sản phẩm của mình là sản phẩm hữu cơ. Cũng không phải khách hàng nào cũng hài lòng với giá của sản phẩm – vốn cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm trồng đại trà. Vậy nên, một vườn rau trồng theo phương pháp tự nhiên như ý, mới chỉ là một phần nhỏ trên con đường phát triển nông nghiệp hữu cơ mà chị Huyền đã chọn.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất
Bình luận của bạn