Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây giống trong phòng nuôi cây mô. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN).
Dự án do tiến sỹ Dương Hoa Xô, Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm.
Dự án được thực hiện trong 30 tháng bắt đầu từ nay đến tháng 8/2016, với tổng kinh phí thực hiện gần 1,85 tỷ đồng; trong đó trên 632,6 triệu đồng là của Công ty cổ phần Du lịch An Giang, kinh phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ trên 1,2 tỷ đồng.
Dự án tập trung điều tra, khảo sát hiện trạng, tình hình lưu trữ, tiêu thụ và thu thập các giống cây dược liệu phục vụ công tác bảo tồn; nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhân giống các giống cây dược liệu và kỹ thuật chăm sóc ngoài vườn ươm theo quy trình nhân giống cây dược liệu, phân tích hàm lượng hoạt chất chính.
Dự án cũng tiến hành nghiên cứu quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, quy trình nhân giống bằng phương pháp khí canh và quy trình nhân giống bằng phương pháp giâm cành.
Trong thời gian thực hiện, dự án còn xây dựng vườn ươm, sản xuất và nhân nhanh 5.000 cây giống dược liệu phục vụ công tác bảo tồn và nhân giống cung cấp cho người dân trồng; chuyển giao kỹ thuật về nhân giống in-vitro và chăm sóc cây con dược liệu trong vườn ươm.
Rừng Bảy Núi nổi tiếng với 103 loài dược liệu quý như đinh lăng, nghệ xà cừ, xuyên Tâm Liên, hà thủ ô, ngãi, trong đó, còn có sáu loài nằm trong sách đỏ cây thuốc Việt Nam, phục vụ tốt cho nhu cầu điều trị bệnh bằng dược liệu đông y.
Những cây dược liệu này đang bị người dân trong và ngoài tỉnh khai thác tận diệt. Vì vậy, việc triển khai dự án sẽ bảo tồn được các giống cây này cho tỉnh, phục vụ việc quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu.
Dự án cũng sẽ phát triển vùng dược liệu quý, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân vùng Bảy Núi; phục vụ kế hoạch quy hoạch vùng trồng 20ha kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với điều trị bằng thảo dược tại vùng Bảy Núi của Công ty cổ phần Du lịch tỉnh An Giang.
Hiện ngoài dự án này, An Giang cũng đồng thời triển khai ba dự án bảo tồn phát triển cây dược liệu như "Chùm ngây" (Phòng nông nghiệp huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang); "Mô hình phát triển một số cây dược liệu tại Núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang" (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông An Giang) và "Phát triển vùng canh tác gấc cho sản xuất dược liệu tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang" (trường Đại học Cần Thơ).
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất
Bình luận của bạn