Nhiều địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP - Ảnh: Báo Chính phủ
Bộ Công Thương: Cần có sự tham gia của các hiệp hội trong xã hội hóa an ninh, an toàn thực phẩm
Giải pháp nào cho những tồn tại trong công tác an ninh, an toàn thực phẩm?
Siết chặt quản lý nuôi và xuất khẩu yến
Cụ thể, tại Hà Nội, hiện có 70.779 cơ sở thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý 35.636 cơ sở. Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 5 năm (giai đoạn 2018-2023), thành phố ghi nhận 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 417 người mắc, không có ca tử vong. Các vụ ngộ độc đều được phát hiện sớm và điều tra, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, hàng năm cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra khoảng 60.000 lượt cơ sở về ATTP, số cơ sở vi phạm và xử lý chiếm 15%, với số tiền phạt khoảng 6 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tồn tại những thực trạng trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố. Điển hình như hiện nay số lượng các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh nhưng trong đó có nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ; Việc phát triển hình thức bán hàng qua mạng internet ngày một phổ biến kết hợp với việc có nhiều cơ sở thức ăn đường phố di động không có địa điểm cố định làm cho việc tuyên truyền, tập huấn, quản lý những cơ sở kinh doanh này gặp rất nhiều khó khăn.
Một số chủ cơ sở thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo ATTP. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã tuy đã được tăng cường hơn trước nhưng chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, còn một bộ phần nhỏ người tiêu dùng dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn.
Tại Quảng Ninh, những năm qua, công tác đảm bảo an ninh, ATTP trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực; Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ATTP đối với đời sống, sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được nâng lên rõ rệt. Số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm. Hiện nay, toàn tỉnh có 49.574 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về ATTP chưa quyết liệt, có lúc còn lơ là, chủ quan; Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Chưa có nhiều vùng nguyên liệu thực phẩm an toàn; Việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kiểm soát ATTP tại các chợ, ngăn chặn các sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn còn chưa hiệu quả; Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm chưa chặt chẽ; Công tác đảm bảo ATTP các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa thực sự bảo đảm... còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tới an ninh, ATTP ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trong báo cáo của Ban tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, thành phố xác định rõ việc đảm bảo vệ sinh ATTP là vấn đề đặc biệt quan trọng, tác động thường xuyên và trực tiếp đến sức khỏe của từng con người, từng gia đình và toàn xã hội, góp phần thức đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia, đẩy mạnh công tác bảo đảm vệ sin ATTP trên địa bàn thành phố, tạo sự chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn thành phố cũng còn nhiều điểm yếu cần khắc phục như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa sâu sát, thường xuyên, còn mang tính hình thức trong việc quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng và văn bản pháp luật của nhà nước về ATTP. Công tác truyền thông về ATTP được tiến hành chưa đồng bộ, thống nhất. Còn tồn tại tập quán ăn uống không hợp vệ sinh tại các tiếc cỗ, bữa ăn gia đình. Một số địa phương chưa có điểm giết mổ tập trung, tất cả các điểm giết mổ đều nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, do đó không được kiểm dịch, kiểm soát, kiểm tra vệ sinh thú y.
Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, thời gian qua, 100% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đều được điều tra và báo cáo theo đúng quy định. Giai đoạn năm 2020-2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 5 vụ ngộ độc làm 25 người mắc và không có trường hợp tử vong.
Công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP. Kết quả, trong 2 năm (2020 và 2022), toàn tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra 45.676 cơ sở, trong đó có 41.412 cơ sở đạt (chiếm 90,7%), 4.264 cơ sở vi phạm (chiếm 9,3%), xử phạt vi phạm hành chính 2.579 cơ sở với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.
Về xây dựng các mô hình mới về ATTP, ngành y tế Nghệ An đã xây dựng gần 200 mô hình; Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 25 mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản ứng dụng kỹ thuật sản xuất tiêu chuẩn tiên tiến như: VietGAP, HACCP và chuyển khoa giao khoa học kỹ thuật; Hỗ trợ xây dựng mã vạch, mã Qrcode, xây dựng phần mềm về truy xuất nguồn gốc…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề ATTP tại Nghệ An vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Điển hình về công tác quản lý quảng cáo, sự phát triển của công nghệ 4.0 khiến cho việc quảng cáo các thực phẩm trên mạng xã hội, đặc biệt là thực phẩm chức năng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số doanh nghiệp quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm với thuốc chữa bệnh.
Còn theo Sở Y tế Thái Nguyên, tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, đạt chỉ tiêu đề ra. Trong giai đoạn 2020-2022, tỉnh Thái Nguyên không ghi nhận vụ ngộ độc nào trên 30 người mắc và không có trường hợp tử vong.
Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh và chất lượng ngày càng cao. Tỷ lệ cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu chiếm 78% trong số các cơ sở được kiểm tra; Số cơ sở vi phạm hành chính về ATTP bị xử lý chiếm tỷ lệ 39,98%.
Liên quan đến công tác thông tin truyền thông về ATTP trên địa bàn, tỷ lệ các nhóm đối tượng ưu tiên có kiến thức - thực hành về ATTP đạt yêu cầu cao (từ 81,3 đến 96,5%) so với chỉ tiêu được giao (từ 76 đến 80%).
Trong báo cáo của tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong công tác về an ninh, ATTP. Ví dụ như: Qua kiểm tra, giám sát vẫn phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, tồn dư chất tăng trọng, chất bảo quản trong thịt, cá... Tình trạng sử dụng chất cấm, chất tăng trưởng, kháng sinh cấm... trong sản xuất kinh doanh thực phẩm tuy giảm nhưng vẫn còn ở một số cơ sở, chủ yếu là các cơ sở thuộc quản lý của ngành nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất thực phẩm, một số cơ sở không ghi chép hoặc ghi chép không đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký mua bán sản phẩm nên khi kiểm tra, truy xuất, thu hồi thực phẩm không đảm bảo an toàn gặp khó khăn.
Báo cáo của Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm là 10.675 cơ sở. Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện/ký bản cam kết đảm bảo ATTP là 10.372/10.675 (đạt 97,2%, tăng 38% so với cùng kỳ giai đoạn trước.
Trong 6 năm (2018-2023), trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm (trong đó có 2 vụ trên 30 người mắc), tổng số người mắc 397 người và không có trường hợp tử vong.
Đối với công tác xét nghiệm an toàn thực phẩm, qua xét nghiệm 58.426 mẫu (gồm: Nông sản tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn dùng liền, nước uống tinh khiết, đá viên, thực phẩm chức năng, sản phẩm đặc trưng của địa phương…) có 52.079 mẫu đạt (chiếm 89,1%), 6.347 mẫu không đạt (chiếm 10,9%). Bên cạnh đó, thực hiện giám sát 1.340 lượt bếp ăn trường học có tổ chức bán trú, gần 50 lễ hội, sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Từ tháng 4/2018 đến đầu tháng 5/2023, các đoàn thanh tra, kiểm tra của 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã thanh, kiểm tra 15.220 lượt cơ sở, trong đó 11.810 cơ sở đạt (chiếm 77,6%); 3.410 lượt cơ sở không đạt (chiếm 22,4%). Ban hành 390 quyết định xử lý, xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Tại Sơn La, các vụ ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2017-2021 ghi nhận 55 vụ, số người mắc là 868 trường hợp. Số người tử vong do ngộ độc thực phẩm trên 100.000 dân là 0,064 (giảm 0,039 người/100.000 dân so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016).
Để kiểm soát chất lượng sản phẩm, phân tích mối nguy đối với ATTP trong suốt quá trình từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Các ngành chức năng đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức lấy mẫu thực phẩm giám sát các chỉ tiêu chất lượng, giám sát các mối nguy ô nhiễm vào thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong giai đoạn 2012-2016, các ngành đã thực hiện kiểm nghiệm 10.054 mẫu thực phẩm, tỷ lệ đạt chiếm 92,3%, tỷ lệ mẫu không đạt chiếm 7,7%. Giai đoạn năm 2017-2021 thực hiện kiểm nghiệm 25.965 mẫu thực phẩm, tỷ lệ đạt chiếm 96,6%, so với cùng kỳ số lượng mẫu kiểm nghiệm tăng, tỷ lệ mẫu không đạt chiếm 3,4%. Có thể thấy chất lượng thực phẩm tại địa phương cơ bản được kiểm soát và cải thiện so với giai đoạn 2012-2016.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng tự hào, thời gian qua Sơn La cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo an ninh, ATTP như: Một số cấp chính quyền, đoàn thể xã hội chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm ATTP; Còn để xảy ra các vụ ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về ATTP chưa sâu rộng. Công tác quản lý nhà nước và vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền của các cơ quan liên quan, của đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP trong tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Ý thức chấp hành pháp luật của nhà nước về ATTP của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa đầy đủ...
Bình luận của bạn