Việc tiêm vaccine mũi 3 và 4 là rất quan trong để bảo vệ chính mình và cả cộng đồng trước nguy cơ dịch có thể bùng trở lại
Tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4: An toàn, cần thiết
Vì sao cần tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4?
Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh việc sử dụng vaccine COVID-19
Liên quan đến vai trò và tầm quan trọng của việc tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 và 4, sáng nay, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm có chủ đề "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện Tổ chức y tế Thế giới (WHO), PGS.TS. Trần Minh Điển, GS.TS. Phan Trọng Lân, và TS. Nguyễn Sĩ Dũng.
WHO: Tiếp tục tiêm vaccine là để bảo vệ chính mình và cộng đồng
Trước thực trạng người dân đang có sự chủ quan và xem nhẹ việc tiêm vaccine các mũi 3 và 4, các khách mời đều cho rằng đây là điều đáng lo ngại. TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã chia sẻ: “COVID-19 vẫn chưa hết khi lại có thêm các biến chủng mới xuất hiện. Việc BA.4, BA.5 có nặng hơn so với biến chủng khác hay không, chúng phải cần có thêm bằng chứng để đánh giá. Tuy nhiên ta luôn cần phải thận trọng. Chúng ta biết, có những nhóm có thể dễ bị tổn thương với COVID-19 hoặc có thể mắc COVID-19 nặng hơn so với những nhóm khác. Ở đây tiêm vaccine giúp bảo vệ cho từng cá thể khỏi mắc bệnh hoặc khỏi bị bệnh nặng.
Về việc tiêm vaccine phòng COVID-19, chúng ta thấy rằng, đáp ứng vaccine ở các đối tượng không như nhau, ví dụ như người suy giảm miễn dịch thì đáp ứng không như những người bình thường. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những đối tượng như vậy phải được nhận mũi tiêm thứ 3, 4 bởi khả năng của họ để tạo ra miễn dịch chống lại bệnh không như những nhóm khác.
Đấy là nguyên tắc chung trong tiêm vaccine. Hiện tại mức độ sẵn có vaccine đã được cải thiện, đặc biệt là đối với Việt Nam có áp dụng thêm các cách rất hiệu quả để tiêm mũi 3, mũi nhắc lại cho mọi người. Chúng ta cũng có nghiên cứu tại sao phải tiêm mũi nhắc lại sau 4-6 tháng như thế này bởi chúng ta phải tiếp tục bảo vệ cộng đồng của chúng ta. Chúng ta cần phải chuẩn bị là có những biến chủng mới sẽ xuất hiện, sẽ đến nên chúng ta phải tiêm vaccine để dự phòng”.
TS. Socorro Escalante nhấn mạnh: “Đối với liều thứ 4, WHO khuyến cáo tiêm cho những người bị suy giảm miễn dịch, những người có tuổi, họ vẫn phải là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Chúng ta rất may mắn là có vaccine, giúp phòng được các tác động nguy hiểm của bệnh, cũng như làm giảm áp lực phòng chống dịch. Tôi cũng cho rằng luôn luôn có tác dụng phụ khi chúng ta tiêm vaccine, vaccine nào cũng thế. Tuy nhiên hầu hết tác dụng phụ là nhẹ và những biến cố bất lợi rất hiếm, cực kỳ hiếm và lợi ích cao hơn rủi ro rất nhiều".
Việc tiêm vaccine mũi 3, 4 ở Việt Nam còn chậm, các nhóm nguy cơ cần ưu tiên tiêm
Theo GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, tại Việt Nam, đến tháng 2/2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết. Nhưng việc tiêm mũi 3 và 4 lại đang diễn ra khá chậm. Có nhiều lý do, trong đó có việc người dân cho rằng bị mắc COVID-19 sau khi tiêm mũi 1, mũi 2 là coi như tiêm mũi 3. Vấn đề nằm ở chỗ khi mắc thì miễn dịch có tăng lên so với tiêm vaccine mũi 1, 2. Tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau. Nếu tiếp tục được tiêm mũi 3, mũi 4, miễn dịch sẽ lâu dài hơn, cao hơn, nghĩa là có hiệu lực bảo vệ cao hơn trước các biến thể mới so với không tiêm.
GS.TS Phan Trọng Lân cho biết: “Vaccine giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Khi tác nhân gây bệnh vào người thì sẽ giảm mắc, giảm chuyển nặng hoặc tử vong. Thậm chí có người khi tiêm vaccine nếu có mắc thì cũng nhẹ hơn những người chưa tiêm. Ở đây chúng ta thấy rằng vaccine là vũ khí chiến lược. Vaccine tạo miễn dịch cho con người, người ta có thể đi bất cứ nơi đâu mà vẫn cảm thấy an toàn. Vấn đề hiệu quả và độ an toàn của vaccine vẫn luôn được theo dõi, giám sát; có sự bất thường thì người ta sẽ phanh lại một cách kịp thời.
THeo ông Lân, lý do chúng ta phải tiêm bổ sung là vì tính miễn dịch sẽ suy giảm dần, và đặc biệt sẽ xảy ra ở những người cao tuổi, những người có khả năng miễn dịch thấp. "Tới nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm. Đặc biệt những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, miễn dịch còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập. Cùng với nhóm đối tượng này, nhóm cán bộ y tế tuyến đầu cũng cần tiêm để có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm từ các biến thể mới và lây sang cho các nhóm đối tượng khác.
WHO có nói BA.5 đã xâm nhập và ở đây chúng ta có thể phát hiện được. Tuy nhiên, bên ngoài chúng ta, số ca mắc tăng liên tục hằng tuần và gần như tăng gấp đôi. Như vậy, với việc đi lại bình thường thì sự xâm nhập chỉ là vấn đề thời gian. Việc phong tỏa như trước đây khó nhận được sự đồng thuận vì nó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Như vậy, vaccine là một yếu tố rất quan trọng. Chúng ta thấy rằng tiêm mũi 3, mũi 4 củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm đi nữa thì cũng sẽ nhẹ hơn”.
Ông Lân cũng khẳng định người dân không phải lo về việc thời hạn của vaccine dài hay ngắn bởi việc này luôn được kiểm soát chặt chẽ từ Bộ Y tế. Vấn đề chất lượng vaccine từ hướng dẫn, vận chuyển, bảo quản đến sử dụng bảo đảm sự an toàn để bà con yên tâm để đi tiêm.
Tiêm vaccine cho trẻ em là rất quan trọng
Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em cũng đang là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục khuyến cáo cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi đi tiêm mũi 3 và nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi đi tiêm mũi 1 và 2. Đây là một trong những vấn đề cần thiết để chúng ta tạo miễn dịch cộng đồng. Chỉ tiếc là nhóm dưới 5 tuổi trên thế giới đã có vaccine tiêm còn ở Việt Nam thì chưa”.
Ông Điển nhấn mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ là rất quan trọng. Trẻ bị mắc rồi hoàn toàn có thể mắc trở lại nếu không được bổ sung kháng thể. Vaccine tiêm cho trẻ là rất an toàn. Việt Nam đặc biệt ưu tiên chế phẩm Pfizer dành cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi liều giống như người lớn, với trẻ từ 5 đến 10 tuổi phải có chế phẩm riêng. Đây là những ưu tiên rất lớn của Chính phủ Việt Nam đối với trẻ em.
Ông chia sẻ: “Chúng ta đã qua đỉnh dịch ở tháng 3, tháng 4 đến bây giờ là ngày 01/7, đã qua 3 đến 4 tháng rồi, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Những hoạt động xã hội của chúng ta thời gian qua, nhất là trong những tháng hè, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng để nghỉ hè và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Do đó trẻ rất dễ mắc trong tình hình hiện nay, và với tỉ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch. Một nhóm yếu thế nữa là nhóm chưa có vaccine dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ cũng có thể mắc.
Bình luận của bạn