Cà phê trứng đã quá quen thuộc với người dân Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước
Người Hà Nội chính gốc thường hay mang trong mình những tâm trạng hoài cổ, nhớ về những gì xưa cũ, gìn giữ chúng như một “báu vật” trời cho. Cũng bởi vậy mà dù cho có rất nhiều quán cà phê hiện đại mở ra ở Thủ đô, mang theo nhiều hương vị và phong cách mới lạ cũng chẳng thể làm cho người dân nơi đây quên hương vị của cà phê trứng đã tồn tại ngót nghét 70 năm qua.
Cà phê trứng ra đời như thế nào?
Hà Nội có nhiều quán bán cà phê trứng như cà phê Đình, cà phê Năng, cà phê Giảng, cà phê phố cổ Hàng Gai hay cà phê trong căn nhà cổ ở phố Chân Cầm... nhưng cái tên cà phê Giảng dường như được biết đến nhiều hơn cả. Đây cũng là “cái nôi’ đầu tiên của thương hiệu cà phê trứng huyền thoại.
Món cà phê trứng do ông Nguyễn Văn Giảng sáng tạo vào năm 1946, khi đó ông là nhân viên pha chế tại khách sạn 5 sao "Sofitel Legend Metropole" tại Hà Nội. Vào thời điểm đó, sữa không có nhiều, giá cả lại đắt đỏ nên ông Giảng dùng lòng đỏ trứng đánh bông để thay thế. Với hương vị độc đáo, hấp dẫn, cà phê trứng nhanh chóng được mọi người yêu thích và tìm đến để thưởng thức. Từ đó, ông quyết định nghỉ việc tại khách sạn, mở riêng một quán cà phê nhỏ có tên là “Cafe Giảng” vào năm 1946.
Hương vị đặc biệt trong mỗi tách cà phê trứng
Gặp gỡ chị Nguyễn Hương Giang – cháu gái ông Nguyễn Văn Giảng, chị cho biết, nguyên liệu để làm nên một tách cà phê trứng khá đơn giản. Chỉ bao gồm lòng đỏ trứng gà, sữa đặc, bơ, phô mai và bột cà phê. Nhưng sự cầu kỳ, khéo léo từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến mới là thứ tạo nên hương vị đặc biệt của tách cà phê trứng Hà Nội.
Để làm nên một tách cà phê thơm ngon và đảm bảo chất lượng, chị Giang cho biết khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Bột cà phê phải được chính chủ cửa hàng lựa chọn rồi về rang xay thủ công. Trứng là loại trứng gà ta, được “đặt hàng” riêng để đảm bảo chất lượng. Các nguyên liệu khác như phô mai, bơ, sữa đặc cũng được lựa chọn rất kĩ càng.
Một tách cà phê trứng ở Giảng luôn có màu hơi vàng được pha chế tương đối cầu kỳ. Cà phê sau khi đã được lấy sẽ được đặt trong nước nóng để giữ nhiệt (về sau này, ly cà phê sẽ được đặt trên một cốc nhỏ 2 tầng, bên dưới đáy là nến hoặc chén cồn nhỏ cháy liu riu, sau đó cà phê sẽ được trộn cùng lòng đỏ trứng gà, bơ, phô mai đã được đánh kỹ theo công thức riêng mà theo chị Giang: “Đó là công thức bí truyền.” Đồng thời, khi đánh trứng, người thợ cũng phải thật khéo léo vì nếu đánh quá tay, lớp trứng sẽ trở nên nhuyễn, đặc. Nhưng nếu đánh chưa tới, cà phê và lòng đỏ trứng lại không đủ hòa quyện, hương vị sẽ rời rạc.
Thưởng thức cà phê trứng ở Giảng, bạn sẽ không bao giờ cảm nhận được vị tanh của lòng đỏ trứng gà sống, mà sẽ chỉ cảm nhận được vị trứng thơm ngậy hoà quyện cùng hương cà phê, điều mà không phải quán cà phê nào cũng có thể làm được.
Khách sẽ được nhâm nhi lớp bọt kem xốp mềm được tạo ra trong quá trình đánh bông trứng ở phía trên bằng một chiếc thìa nhỏ. Người “sành” cà phê vẫn thường gọi đây là món khai vị, trước khi thưởng thức lớp cà phê bên dưới.
Vừa ngon, vừa quen lại vừa lạ là những từ có thể nói về cà phê trứng Hà Nội. Chẳng thế mà không chỉ người Việt yêu thích cà phê trứng mà ngay cả những vị khách ngoại quốc lần đầu được nếm thử cũng phải “xiêu lòng” mà họ vẫn hay gọi đùa là “capuchino” Việt Nam. Một loại “capuchino” không cần sữa những vẫn rất ngon miệng. Hay phóng viên một hãng truyền thông quốc tế sau khi thưởng thức cà phê trứng tại Hà Nội đã nhận xét: "Đó là sự giao thoa giữa địa ngục và thiên đường. Giữa ngọt và đắng, giữa hai thế giới đối lập nhau".
Có 2 địa điểm quen thuộc để bạn có thể tìm đến thưởng thức cà phê trứng Giảng đó chính là 109 Yên Phụ và 39 Nguyễn Hữu Huân với giá từ 35.000 đồng/ tách cà phê trứng.
Và chỉ cần thực sự là một người yêu thích cà phê, yêu thích cái không gian bình yên bên cạnh con phố cổ, muốn trải lòng mình về với quá khứ của Hà Nội xưa cũ, hãy tìm về với hương vị cà phê trứng – về nơi giá trị truyền thống không bao giờ bị lãng quên.
Bình luận của bạn