Bột nêm “3 không” được bán tràn lan tại các chợ - Ảnh: Hữu Thuận
Hạt nêm không phải sản phẩm dinh dưỡng!
5 sự thật ít được biết đến về hạt nêm
Mì chính và những cấm kỵ khi dùng để nêm vào thức ăn
Cái chết thật từ bột ngọt giả: Làm sao để phân biệt thật - giả?
Dù tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người dùng, nhưng các sản phẩm này vẫn được các nhà hàng, quán ăn gia đình và cả những người tiêu dùng bình dân tiêu thụ mạnh.
Mua bao nhiêu cũng có
Khảo sát một vòng tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM cho thấy các loại gia vị, trong đó có nhóm hàng bột ngọt và hạt nêm, được nhiều quầy sạp bán theo dạng xá (hàng rời, chưa đóng gói) với số lượng bao nhiêu cũng có, từ mua lẻ đến mua sỉ. “Có khách mua là bán thôi, người nghèo đâu có tiền mà đòi hỏi các loại có thương hiệu nổi tiếng”, chị M., tiểu thương chợ Tân Trụ (Q.Tân Bình), giải thích về việc bán hàng lẻ, hàng xá cho nhiều người.
Một số sạp kinh doanh hạt nêm tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) tự vào các loại bịch với trọng lượng đủ loại, từ 200gr, 500gr đến 1kg tùy nhu cầu của khách. Các loại hạt nêm này hầu như không nhãn mác, người mua không biết sản phẩm của nhà sản xuất nào. Với giá dao động 30.000 - 40.000 đồng/kg, rẻ hơn các loại hạt nêm có thương hiệu khá nhiều nên được nhiều người tiêu dùng, cả khách lẻ lẫn khách sỉ, mua nhiều.
Khi nghe chúng tôi tìm mối nhập các loại gia vị cho quán ăn gia đình, một tiểu thương tại chợ Hoàng Hoa Thám khẳng định “hầu hết quán ăn đều mua hàng xá để chế biến, vừa tiện lợi vừa có giá rẻ nhưng chất lượng không thua hàng nhà máy đâu, chú yên tâm”. Trong khi đó, theo nhiều tiểu thương tại chợ Phú Thọ (Q.11), mặt hàng hạt nêm chủ yếu được bỏ mối, khách sỉ thỉnh thoảng mới có người đến mua.
“Em muốn mua bao nhiêu cũng có, mua cả cây, loại 10kg đợi chị xíu sẽ có người giao hàng tận nơi cho em”, chị Đ., tiểu thương chợ này, nói. Ngoài hạt nêm, theo chị Đ., các loại bột ngọt, nước mắm... dạng ký hoặc cây được bán chủ yếu cho quán ăn, nhà hàng để chế biến vì mức giá rẻ nhưng rất kén khách lẻ.
Nguồn hàng chủ yếu được nhân viên tiếp thị các công ty đem đến giới thiệu, tiểu thương hầu như không biết hàng của nhà sản xuất nào. “Tụi chị cũng chẳng biết sản phẩm này của nhà sản xuất nào, trước nhân viên tiếp thị đến chợ chào hàng, rồi mình lấy mối dần thành quen, hết hàng thì gọi họ đem tới, trả tiền chứ chẳng để ý phân phối chỗ nào hết”, chị Đ. thừa nhận.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Nhiều chuyên gia cho rằng việc sử dụng các loại hạt nêm “3 không” tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Theo TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Gia Định (TP.HCM), cũng như các thực phẩm đóng gói khác, hạt nêm phải được sản xuất và đóng gói trong quy trình hiện đại, đảm bảo đủ các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, vi sinh.
Bà Mai khẳng định với hạt nêm được đóng gói trong điều kiện không đảm bảo những quy định nghiêm ngặt cả về nhà xưởng, thiết bị, con người thường rất dễ dẫn đến việc sản phẩm bị nhiễm khuẩn.
“Việc nhiễm khuẩn ở mức độ nhẹ có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe của người sử dụng, nhưng có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn bình thường của đường ruột, đưa đến nguy cơ mắc những bệnh đường tiêu hóa như táo bón, viêm loét... nếu sử dụng lâu dài”, bà Mai khuyến cáo.
Nếu sử dụng các sản phẩm bị nhiễm những vi khuẩn đường ruột như E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng..., người dùng có thể bị tiêu chảy, nôn mửa.
Ngoài ra, những sản phẩm này còn có nguy cơ bị nhiễm tạp chất do điều kiện đóng gói không đảm bảo, hoặc có thể được pha trộn tạp chất để tăng lợi nhuận. “Việc đưa vào cơ thể những tạp chất độc hại trong thời gian dài có thể gây bệnh mạn tính, thậm chí gây Ung thư ở người sử dụng”, bà Mai nói.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, dù chưa có nghiên cứu về tác hại cụ thể của việc sử dụng các loại hạt nêm “3 không”, nhưng có thể thấy rõ rằng sản phẩm này thường được sang chiết bởi các cơ sở tư thương nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cao.
Đặc biệt, do không có công ty nào chịu trách nhiệm về sản phẩm “3 không” này, người tiêu dùng sẽ không biết “nắm” ai nếu xảy ra sự cố khi sử dụng. “Có thể loại hạt nêm của những nhà sản xuất uy tín với thương hiệu rõ ràng có giá cao hơn, nhưng người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, thay vì mua những sản phẩm “3 không” với nhiều nguy cơ tiềm ẩn”, bà Lâm khuyến cáo.
Thông tin từ cơ quan quản lý thị trường cho biết kết quả kiểm tra hàng loạt chợ tại các địa phương TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang vừa được thực hiện, cơ quan này đã phát hiện 846kg hạt nêm “3 không”, chưa kể nhiều loại gia vị không nhãn mác khác. Nguồn tin này cũng cho biết các loại hạt nêm, bột ngọt, gia vị “3 không” hiện đang được tiêu thụ mạnh tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Các chuyên gia cho biết theo quy định, các loại hạt nêm tiêu thụ trên thị trường đều phải có hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, thành phần, nhãn sản phẩm và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận công bố chất lượng. Do đó, những sản phẩm “3 không” được bày bán trên thị trường hiện nay đều vi phạm về ghi nhãn, công bố chất lượng, thành phần...
Đặc biệt, theo các chuyên gia vệ sinh, môi trường ở chợ thường ẩm thấp, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không phù hợp cho việc sang chiết hàng hóa, nhất là những sản phẩm dễ hút ẩm như hạt nêm, dẫn đến hiện tượng vón cục, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người sử dụng.
Bình luận của bạn