Thuốc lá thế hệ mới đe dọa sức khỏe người dân Việt Nam và trên toàn thế giới
WHO công nhận Việt Nam loại trừ thành công bệnh mắt hột
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Chính thức áp mức thuế 50% với thiết bị dùng cho thuốc lá điện tử
Anh cấm thuốc lá điện tử dùng một lần từ tháng 6/2025
Nguy cơ về một “đại dịch thuốc lá mới”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tài liệu bị rò rỉ của Công ty Philip Morris Nhật Bản gần đây đã tiết lộ chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá, nhằm phá hoại các chính sách y tế công cộng và đưa thông tin dối trá về tác hại đối với sức khỏe của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Bằng chứng cũng cho thấy Công ty Philip Morris International - “gã khổng lồ” thuốc lá, đã lên kế hoạch chi tiết cho một chiến dịch toàn cầu có thể dẫn đến đại dịch thuốc lá mới.
Công ty Philip Morris Nhật Bản đã bí mật tác động đến giới khoa học và chính trị gia nhằm mục đích tăng lợi nhuận và bất chấp sức khỏe cộng đồng, theo phân tích của Tổ chức Toàn cầu Giám sát Ngành Công nghiệp Thuốc lá (STOP) và Nhóm Nghiên cứu Kiểm soát Thuốc lá tại Đại học Bath, Vương quốc Anh.
Công ty Philip Morris International tuyên bố sản phẩm thuốc lá nung nóng IQOS chỉ dành cho người lớn. Tuy nhiên, thực tế là họ cố gắng thu hút nhiều đối tượng, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên. IQOS gây nghiện tạo ra loại khói chứa ít nhất 80 loại hóa chất. Một số có nồng độ cao hơn khói thuốc lá thông thường, cùng với bốn chất mới có khả năng gây ung thư. IQOS chưa được chứng minh là giúp mọi người cai thuốc lá.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, nhiều thập kỷ trước đây, ngành công nghiệp thuốc lá đã nói dối rằng sử dụng thuốc lá điếu không gây ung thư. Lịch sử một lần nữa, nhắc nhở chúng ta rằng ngành công nghiệp thuốc lá không đáng tin như thế nào.
Tiến sĩ Pratt cũng bóc trần những tuyên bố dối trá của ngành công nghiệp thuốc lá: “Thuốc lá mới và các sản phẩm chứa nicotine rất có hại cho sức khỏe. Chúng chứa các hóa chất độc hại đã được chứng minh là về lâu dài gây ung thư, bệnh tim và phổi. Trong thời gian ngắn, chúng cũng có thể gây ra các tổn thương phổi rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, những đối tượng bị ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến, các sản phẩm này có thể làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển của não bộ”.
Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, không có bằng chứng nào cho thấy những sản phẩm này giúp mọi người cai thuốc lá. Trên thực tế, thuốc lá thế hệ mới dẫn đường cho người dùng – đặc biệt là những người trẻ – đến với nicotine và làm cho họ nghiện cả các sản phẩm thuốc mới lẫn truyền thống.
Cần hành động để bảo vệ nguồn lực quý giá nhất của đất nước
Vào kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã khẳng định quan điểm cần cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng - các sản phẩm có nhiều tác hại nghiêm trọng với sức khỏe.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, các hình thức tiếp thị tinh vi của ngành công nghiệp thuốc lá đã và đang gây ra hậu quả với sức khỏe người Việt. Năm 2023, có hơn 1.200 trường hợp nhập viện cấp cứu do các hậu quả về sức khỏe sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Đặc biệt, việc sử dụng thuốc lá điện tử rất dễ dẫn tới các chất gây nghiện khác như cần sa. Đơn cử, tại hội thảo ngày 18/11 tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ báo cáo về một trường hợp bệnh nhân 26 tuổi chịu hậu quả rối loạn tâm thần do lạm dụng thuốc lá điện tử. Bệnh nhân tiếp xúc với thuốc lá từ cấp 3, sử dụng thuốc lá điện tử khi vào đại học. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp đại học, do công việc căng thẳng nhiều, người này tìm tới hút thuốc lá điện tử có tinh dầu pha thêm cần sa 20-25 lần/ngày. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện những rối loạn tâm thần, mất ngủ, dễ cáu giận, đập phá đồ, gia đình thấy có sự bất thường nên đã cho đi khám và điều trị.
Tiến sĩ Angela Pratt nhận định, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá dựa trên bằng chứng, bất chấp các chiến thuật can thiệp tinh vi từ ngành công nghiệp thuốc lá. WHO kêu gọi Việt Nam cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo tất cả các hình thức thuốc lá thế hệ mới để bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên - nguồn lực quý giá nhất của đất nước.
Hiện có khoảng 40 quốc gia, bao gồm năm quốc gia trong ASEAN là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia đã cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử.
Bình luận của bạn