Hội thảo Công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Bộ Y tế tổ chức - Ảnh: MOH.
Anh cấm thuốc lá điện tử dùng một lần từ tháng 6/2025
Thói quen hút thuốc lá điện tử có thể gây hại cho làn da
Hút vape khiến mạch máu nhanh già
Cảnh báo tình trạng ma tuý ẩn nấp sau tinh dầu CBD tự pha chế
Thông tin này vừa được đưa ra tại Hội thảo Công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/10. Đây là nghiên cứu do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) thực hiện, bằng phương pháp tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá thế hệ mới, nhằm đề xuất các biện pháp ngăn chặn.
Theo kết quả nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021 của Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME), ước tính Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc lá chủ động và 18.800 ca tử vong do hút thuốc thụ động; thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá, gồm chi phí khám chữa bệnh và tổn thất năng suất lao động, chiếm 1,14% GDP năm 2022 (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng).
Trong thập kỷ qua, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành ở Việt Nam giảm chậm, năm 2021 là 20,8% (nam 41,1% thuộc nhóm cao nhất thế giới, nữ 0,6%). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (2014) xuống 1,9% (2022).
Tại hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan ngại về việc người dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng thời gian qua, đặc biệt là trẻ em, trẻ vị thành niên.
"Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mặc dù chưa được phép nhập khẩu, quảng cáo hoặc bán tại Việt Nam nhưng tỉ lệ sử dụng các sản phẩm này đã có sự gia tăng nhanh trong thời gian qua. Đặc biệt là ở học sinh phổ thông trung học tại khu vực thành thị.
Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng lợi dụng thuốc lá điện để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Các bệnh viện đã ghi nhận các tình trạng nhập viện có liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, nghiên cứu cho thấy Việt Nam đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), đặc biệt là trong giới trẻ.
Kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh/thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh 13-17 là 8,1%, tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước. Còn tỷ lệ sử dụng TLNN ở nhóm 13-15 tuổi là 1,4%. Tỷ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn.
Theo báo cáo từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN với triệu chứng dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, và cả đột quỵ não. Số ngày điều trị trung bình từ 1-6 ngày; sau điều trị vẫn để lại di chứng ở 62 người (5%). Trong số đó, khoảng 6% người dưới 18 tuổi; 10% là nữ; 6,6% sử dụng lần đầu tiên; 90% sử dụng kép (có sử dụng cả thuốc lá thông thường).
Tác hại nguy hiểm của thuốc lá thế hệ mới
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới đều gây nhiều nguy cơ bệnh mạn tính giống như thuốc lá thông thường, bao gồm:
Cấp tính: hút TLĐT có thể dẫn đến tổn thương phổi cấp thậm chí gây tử vong, bị thương và bỏng do nổ pin, cháy thiết bị và ngộ độc do quá liều nicotine và ngộ độc các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử.
TLĐT chứa nicotine - chất gây nghiện mạnh, có hại cho sự phát triển não bộ thanh thiếu niên dưới 25 tuổi. Nicotine ảnh hưởng xấu đến sự hình thành các khớp thần kinh gây ra vấn đề về trí nhớ, tập trung, học tập, tự chủ và rối loạn tâm trạng. Hậu quả lâu dài nghiêm trọng bao gồm nghiện, rối loạn nhận thức, cảm xúc, giảm khả năng tập trung, học tập.
- Hô hấp: suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn.
- Tim mạch: rối loạn chức năng mạch máu, cơ xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và đột quỵ .
- Ung thư: làm tổn thương DNA gây tăng nguy cơ ung thư, tăng kháng hóa trị liệu.
- Tâm thần kinh: ảnh hưởng tâm sinh lý giới trẻ, tăng nguy cơ stress và giảm sự ổn định tâm lý.
- Bệnh về răng miệng: bệnh viêm lợi, sâu răng, mất xương quanh răng, tổn thương niêm mạc miệng, tăng nguy cơ nhiễm trùng miệng.
- Đặc biệt, loại thuốc lá thế hệ mới này ảnh hưởng đến sự phát triển và thai nhi, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì ở trẻ em, giãn phế quản ở trẻ sơ sinh...
- Các vấn đề sức khỏe khác do hút TLĐT có liên quan bao gồm đau đầu, ho, mất ngủ, suy nhược, đau ngực ở người trẻ tuổi; kích ứng cổ họng, ho, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn; trầm cảm, lo âu, bốc đồng.
- TLĐT còn có thể làm tăng nguy cơ sử dụng ma túy do người dùng có thể tự pha chế dung dịch, pha trộn các chất cấm như cần sa tổng hợp, ketamin, heroin vào thuốc lá, đặc biệt là ở giới trẻ. Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, tình trạng mua bán, sử dụng TLĐT pha trộn, tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng, chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, đối tượng, tang vật bị phát hiện, bắt giữ tăng mạnh qua các năm, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thống nhất phương án cấm
Tại hội thảo, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng đánh giá sự xuất hiện thêm các sản phẩm mới này sẽ làm gia tăng số người hút thuốc, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, thêm gánh nặng bệnh tật cho người dân và trầm trọng thêm các vấn đề về y tế công cộng, an ninh trật tự, xã hội và môi trường.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: Với những bằng chứng về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đề xuất, trước mắt Quốc hội cần ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở tất cả các dạng. Trong thời gian tới, các quy định này cần được nghiên cứu luật định khi sửa Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.
Bên cạnh đó, Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ ngành liên ngành và cộng đồng trong tăng cường hiệu lực thực thi quy định cấm. Vận dụng kinh nghiệm thành công và chưa thành công của một số quốc gia trong khu vực và quốc tế trong thực thi quy định ngăn chặn thuốc lá mới, cần thực hiện các biện pháp như: Truyền thông, giáo dục; quy định các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn việc mua bán, cung cấp, nhập lậu và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác.
Ngoài ra, cần hỗ trợ cai nghiện cho người sử dụng, thiết kế dịch vụ hỗ trợ cai nghiện phù hợp cho vị thành niên, thanh niên sử dụng thuốc lá mới nhằm giảm thiểu nguy cơ và tác hại nghiêm trọng của nghiện nicotine ở vị thành niên và thanh niên.
Bình luận của bạn