Phát huy tiềm năng sáng tạo người làm báo, xây dựng báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp!

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc 2024

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 (P.1): Tương lai của báo chí là đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số và dữ liệu số

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 (P.2): Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 (P.3): Xây dựng môi trường văn hóa tại các cơ quan báo chí

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 (P.4) Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội

Sau 3 ngày Hội Báo toàn quốc năm 2024 sôi động và ý nghĩa (15-17/3), các đại biểu đã tham dự Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2023, cùng thảo luận, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2024.

Điểm lại các kết quả nổi bật của Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2023, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên được tăng cường, phát huy hiệu quả tích cực. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam được quan tâm, qua đó tạo sự thống nhất, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao hiệu quả của công tác nghiệp vụ của Hội, với thành công của Giải Báo chí Quốc gia, chương trình hỗ trợ Báo chí chất lượng cao, cùng một loạt các hội thảo, tọa đàm, tập huấn về báo chí số, công nghệ báo chí truyền thông và chuyển đổi số.  

Chỉ đạo công tác Hội trong năm tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025; Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và giới báo chí cả nước.

Do đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp Hội và các nhà báo, hội viên tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí.

Đánh giá năm 2024 sẽ là một năm báo chí vượt khó khăn để tìm giải pháp phát triển trong kỷ nguyên số, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quán triệt hoàn thiện chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động báo chí, tạo hành lang pháp lý và môi trường để các nhà báo, hội viên phát huy tiềm năng sáng tạo, để có những tác phẩm báo chí theo hướng báo chí tích cực, báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo; tạo đà cho sự phát triển ngành công nghiệp nội dung, công nghiệp văn hóa, công nghiệp số, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là những chủ thể nòng cốt”. 

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp Hội và các nhà báo, hội viên cần tập trung trong năm 2024:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, cần được triển khai thực hiện thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Thứ hai, Hội Nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự, phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực, có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn đổi mới, sáng tạo trong báo chí, tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số với phương thức tổ chức, quản lý nhằm phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của nhà báo, đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp hạn chế những bất cập, những nguy cơ khiến nhân lực và vật lực ngành báo chí bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trí tuệ nhân tạo, robot và các công cụ số và các yếu tố kỹ thuật, công nghệ tiên tiến khác.

Thứ ba, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí Trung ương và cấp ủy địa phương tổ chức đồng bộ, rộng khắp các hoạt động kỷ niệm, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cơ quan báo chí, các cấp hội và hội viên; tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của công chúng báo chí đối với sự kiện quan trọng này. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội.

Thứ tư, cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hội viên. Để khắc phục hiện tượng một số cấp Hội và cơ quan báo chí còn xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo phải xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên và khai trừ khỏi Hội Nhà báo Việt Nam, đề nghị Hội Nhà báo các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc đối với hội viên, nhà báo khi tham gia mạng xã hội; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; đặc biệt với công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú.

Thứ năm, chú trọng định hướng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu nhằm làm rõ lý luận báo chí hiện đại, với các vấn đề nghiệp vụ báo chí số, báo chí sáng tạo, mô hình kinh tế báo chí, vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí. Xây dựng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho chính sách phát triển báo chí, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tham khảo, ban hành các chủ trương, quyết sách đúng đắn đối với hoạt động báo chí, hướng tới một nền báo chí “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại", góp phần để báo chí thực hiện vai trò, sứ mệnh là công cụ sắc bén trong công tác tư tưởng, trong truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.

Thứ sáu, triển khai hiệu quả, thực chất chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; chú trọng nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới để tiếp tục duy trì, khẳng định vị thế của Giải Báo chí Quốc gia - Giải uy tín, quan trọng nhất của báo giới cả nước.  

Thứ bảy, thời gian từ nay đến năm 2025 không còn nhiều, Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII sắp tới.

 
PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn