Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi Số Quốc gia (10/10) - Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan là Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Y tế

Bộ Y tế: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số

Tăng tốc chuyển đổi số toàn ngành y tế, gắn chặt với hoạt động quản lý

“Chuyển đổi số” & mục tiêu đặt ra cho báo chí

Sáng 10/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức.

Tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Tại đó, xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp.

"Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu", Thủ tướng cho biết. "Mục tiêu đó nhằm hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc".

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo rằng thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện quan điểm xuyên suốt, là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.

Từ đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan cần nỗ lực giải quyết nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số, tiêu biểu như dữ liệu số, hạ tầng số, an toàn thông tin, an ninh mạng và nhân lực.

Mục tiêu là để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Quá trình này sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển, đưa Việt Nam hướng về phía trước.

 

Trước đó, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

"Chuyển đổi số quốc gia phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia, với quan điểm dữ liệu là tài nguyên của quốc gia, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của kỷ nguyên số.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương và đề nghị chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 và xác định, đây là yếu tố quyết định mọi sự thành công của chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Y tế nỗ lực triển khai Đề án 06 gắn với chuyển đổi số để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn

Bộ Y tế họp với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về việc triển khai Đề án 06 - Ảnh: MOH

Bộ Y tế họp với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về việc triển khai Đề án 06 - Ảnh: MOH

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia - Đề án 06, Bộ Y tế cho biết đang nỗ lực thúc đẩy triển khai thực hiện Đề án 06 gắn với chuyển đổi số ngành y tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm; mục tiêu người dân được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe suốt đời.

Để huy động cả hệ thống chính trị lĩnh vực y tế vào cuộc, Ban cán sự đảng Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 03/02/2023 về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bộ Y tế hiện đã chuyển xong toàn bộ dữ liệu thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời duy trì việc chuyển ngay các dữ liệu thông tin tiêm chủng COVID-19 phát sinh mới theo ngày.

Bộ Y tế cũng đang cập nhật thông tin dữ liệu nguồn lực y tế (dữ liệu về y sĩ, bác sĩ, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, giường bệnh, trang thiết bị y tế…) vào cơ sở dữ liệu của ngành y tế; Kết nối xác thực, làm sạch dữ liệu về y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Về thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó có kết nối nhóm dữ liệu liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng sinh, báo tử; giấy khám sức khoẻ phục vụ cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe, tính đến ngày 19/7, đã có 1.085 cơ sở đã liên thông giấy khám sức khoẻ lái xe với tổng số 726.671 giấy khám sức khoẻ lái xe đã ký số; đã có 1.191 cơ sở khám chữa bệnh đã liên thông giấy chứng sinh với tổng số giấy chứng sinh đã liên thông là 226.126; đã có 386 cơ sở khám chữa bệnh liên thông giấy báo tử với tổng số Giấy báo tử đã liên thông là 2.378...

Bộ Y tế đã có Chỉ thị, nhiều văn bản chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ, các địa phương đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, các bệnh viện đã chủ động phối hợp với các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để triển khai...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã thực hiện đơn giản hoá, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực của ngành để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp...

Theo đánh giá của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, dữ liệu của Bộ Y tế chính là một trong những điểm mấu chốt, mắt xích quan trọng để đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, các dữ liệu của bộ, ngành khác nhằm triển khai hiệu quả Đề án 06. Vai trò của Bộ Y tế trong triển khai thực hiện Đề án 06 là rất quan trọng.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn