Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, dài khoảng vài centimet và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Ruột thừa bị viêm chính là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Nếu ruột thừa bị nhiễm khuẩn không được cắt bỏ, nó có thể vỡ và truyền vi khuẩn đi, gây nhiễm khuẩn khắp vùng bụng, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Đối với trẻ nhỏ, dấu hiệu nhận biết viêm ruột thừa khá đặc trưng: đau bụng. Trẻ kêu đau bụng tự nhiên, lúc đầu có thể đau vùng thượng vị hay quanh rốn, nhưng sau đau khu trú ở vùng hố chậu phải, đau âm ỉ. Trẻ buồn nôn và nôn. Ở trẻ em có khi thấy đi tiêu lỏng hay bị tiêu chảy. Sốt nhẹ khoảng 37,5 - 38,5oC; trẻ sẽ bị sốt cao khi ruột thừa sắp vỡ hoặc đã vỡ. Môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi đó là trẻ bị đau bụng vùng xung quanh rốn, sốt nhẹ, không muốn ăn, buồn nôn, nôn. Bụng trẻ trương cứng.
Do chủ quan nên nhiều bậc cha mẹ tự chẩn đoán bệnh cho con dẫn tới tình trạng ruột thừa bị vỡ, gây những biến chứng khôn lường: vỡ ruột thừa, tắc ruột, nhiễm khuẩn huyết. Không có cách nào để ngăn ngừa viêm ruột thừa. Trẻ càng nhỏ, viêm ruột thừa càng nguy hiểm. Các bác sĩ khuyến cáo, viêm ruột thừa không thể phòng nên việc phát hiện sớm để giải quyết kịp thời trước khi ruột thừa vỡ là rất quan trọng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu đau bụng nhói ở vùng quanh rốn, hãy đưa trẻ tới bệnh viện hay trung tâm y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán và can thiệp sớm, kịp thời.
Bình luận của bạn