Đường thở "kêu cứu" vì không khí ô nhiễm

Không khí ô nhiễm là nguyên nhân gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh đường hô hấp

Viêm phế quản do ô nhiễm không khí

Bụi phổi do ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí: Người lớn làm, trẻ con chịu!

Đeo khẩu trang "chợ": Có cũng như không?

Hỏng hệ hô hấp vì không khí kém trong lành

Thưa BS. Đặng Minh Hùng, bầu không khí ô nhiễm mà chúng ta phải hít thở mỗi ngày tác động như thế nào đến hệ hô hấp? Khi tiếp xúc với không khí "bẩn", con người có nguy cơ mắc phải những bệnh nguy hiểm nào?

Hầu hết các bệnh hô hầu đều bị tác động bởi không khí ô nhiễm. Theo thống kê của Bộ Y tế trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh hô hấp cao nhất trên toàn quốc và nguyên nhân chủ yếu là ô nhiễm không khí.

Bụi siêu mịn PM2.5 là viết tắt của "particulate matter" dùng để chỉ các loại bụi, cả ở dạng lỏng lẫn khối chất rắn, có thể là chất hữu cơ hay kết cấu vật lý khác có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet. Không khí ô nhiễm với bụi siêu mịn hay bụi phân tử rất nguy hiểm, không chỉ dẫn đến các bệnh đường hô hấp mà còn là tác nhân gây bệnh tim mạch.

Tại nước ta, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản là hai bệnh thường gặp nhất do tác động trực tiếp của không khí ô nhiễm. Ngoài ra, một số tác nhân có hại trong không khí cũng có thể gây ra các bệnh lý nhiễm trùng ở phổi, làm tái phát các đợt cấp, đợt nặng của bệnh.

Vậy đâu là các thành phần nguy hại trong không khí có thể gây bệnh hô hấp, thưa BS?

Thành phần nguy hiểm đầu tiên phải kể đến là các hạt bụi PM2.5, còn gọi là bụi siêu mịn hay bụi phân tử với kích thước siêu nhỏ có thể xâm nhập vào sâu trong phổi và gây bệnh ung thư phổi. 

Tác nhân tiếp theo là các loại hóa chất, thường gặp nhất là NO2Khi NO2 được trộn với hơi nước sẽ tạo thành HNO3 - một chất gây hại cho phổi. Số người bị tử vong sớm mỗi năm do hai thủ phạm chính là PM 2.5 và NO2 ước tính lên đến hơn 2 triệu người. Ngoài ra, các khí CO, NO, lưu huỳnh, chì và các phần tử khói... cũng ảnh hưởng trực tiếp tới việc trao đổi khí trong phổi và sức khỏe tổng thể nếu hít phải.

Nguồn gốc chủ yếu của các chất ô nhiễm trong không khí là khí thải công nghiệp, khí thải giao thông. Các hoạt động thường ngày cũng có thể gây ô nhiễm như đun nấu bằng bếp than tổ ong, đốt rác, hút thuốc lá...

BS. Đặng Hùng Minh – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Hiệp Nguyễn/H+)

Trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Ai cũng có thể hít phải không khí ô nhiễm nhưng một số người lại rất dễ mắc bệnh hô hấp, đặc biệt là trẻ em. Tại sao vậy thưa ông?

Công nhân tại các hầm mỏ, những người phải làm việc ngoài trời hay trong môi trường nhiều khói bụi... sẽ phải tiếp xúc nhiều hơn với không khí ô nhiễm. Không khí ô nhiễm gây hại cho sức khỏe cho mọi người, nhưng ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi cơ thể trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, đồng thời ở lứa tuổi này trẻ hoàn toàn bị thụ động trước các ảnh hưởng có hại của môi trường do người lớn gây ra. 

Nếu như trước đây, không có nhiều trẻ dưới 2 tuổi bị viêm phế quản thì ngày nay, số trẻ mắc rất nhiều và trầm trọng. Hay bệnh viêm mũi trước đây chỉ có triệu chứng sổ mũi, nay chuyển xuống viêm họng, viêm thanh quản. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy mỗi năm có đến 2 triệu trẻ em tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp, 60% trong số đó do ô nhiễm không khí.

Bản thân là một chuyên gia bệnh hô hấp, bác sỹ có thể chia sẻ cho độc giả Health+ những phương pháp hiệu quả để bảo vệ hô hấp trong điều kiện môi trường ô nhiễm?

Thứ nhất, bản thân người bệnh cần phải chủ động tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Đi ra ngoài đường hay làm việc trong môi trường ô nhiễm phải bịt khẩu trang than hoạt tính, đun nấu trong gia đình thì nên đặt bếp ở nơi thoáng đãng. Ngoài ra, cần bỏ thói quen hút thuốc lá và tránh những nơi có khói thuốc.

Đối với trẻ nhỏ, cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện và cải thiện hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật.

Ngoài ra, mỗi người có thể giúp một phần nhỏ trong việc giảm lượng khí bụi phát ra bằng cách thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống,… Có thể lắp đặt quạt thông gió ở những nơi thải ra khí ô nhiễm trong nhà như khu bếp, khu vệ sinh. Hút mùi ở bếp hay thoát khí ở khu vệ sinh sẽ dẫn hết đường khí độc ra khỏi nhà bạn, giúp nhà trở nên thông thoáng hơn.

Ngoài ra, trồng cây trong nhà cũng là một cách làm giảm ô nhiễm không khí trong không gian sống vì cây hấp thụ CO2 rất tốt, hút khi độc do đun nấu hay các chất gây ô nhiễm khác gây ra.

Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của bác sỹ!

Kim Chi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bác sỹ ơi