UNICEF kêu gọi các nước G7 chia sẻ nguồn cung vaccine phòng COVID-19

Lô vaccine AstraZeneca thứ 2 do COVAX phân phối về tới Hà Nội vào chiều 16/5 - Ảnh: UNICEF

COVID-19 tăng vọt ở Singapore, phát hiện biến thể "siêu lây nhiễm" ở Malaysia

Cập nhật bản đồ dịch COVID-19: Dịch bùng lên mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh

16 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, nhiều ca phải thở máy

Thêm bệnh nhân COVID-19 tử vong do bệnh lý nền

Thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho hay, cơ chế COVAX sẽ cung cấp 65 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho toàn thế giới trong tuần này. Con số ban đầu đáng lẽ là 170 triệu liều, tuy nhiên, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) không thể đáp ứng kịp lượng vaccine dự kiến, khi chính quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 2.

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan không kiểm soát càng lâu, thì nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng gây chết người, lây lan nhanh là càng cao. Con đường rõ ràng nhất để thoát khỏi đại dịch này là công bằng trong việc phân phối vaccine, chẩn đoán và điều trị trên toàn cầu.”

Cơ chế COVAX - do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Gavi và CEPI đồng sáng lập, UNICEF là đối tác thực hiện - ra đời nhằm hướng tới mục tiêu đó. Nhưng hiện tại, COVAX đang thiếu nguồn cung trầm trọng, khiến việc phân phối vaccine gặp nhiều chậm trễ.

Diễn biến dịch căng thẳng tại Ấn Độ - “cường quốc vaccine” hàng đầu thế giới khiến nhu cầu vaccine phòng COVID-19 trong nước tăng vọt. COVAX không đạt được kế hoạch phân phối 140 triệu liều vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình cho đến cuối tháng 5. Khả năng 50 triệu liều dự kiến vào tháng 6 cũng không được cung cấp.

Theo dự kiến, Anh sẽ tiếp đón các nước thành viên khác trong G7 là Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ tới nước này tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 11-13/6 tới. Một số thành viên G7 như Mỹ, Anh có nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 lớn, trong khi đó một số thành viên khác đã triển khai tiêm phòng vaccine trên diện rộng.

Theo UNICEF, các quốc gia G7 và nhóm các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) có thể quyên góp khoảng 153 triệu liều vaccine bằng cách chia sẻ chỉ 20% nguồn cung sẵn có trong tháng 6,7,8 năm 2021. Việc làm này vẫn đáp ứng được các cam kết tiêm phòng cho người dân trong nước, đồng thời giúp cho các quốc gia thu nhập trung bình không trở thành điểm nóng trong thời gian tới.

Các tính toán này được cung cấp bởi Airfinity, cơ sở nghiên cứu khoa học được ủy quyền bởi Ủy ban UNICEF Quốc gia của Vương quốc Anh.

UNICEF nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ có thể là điềm báo, nếu những cảnh báo của tổ chức này tiếp tục bị phớt lờ. Không chỉ riêng Ấn Độ, tại các quốc gia gần đó (Nepal, Sri Lanka và Maldives) và cả các quốc gia xa hơn như Argentina và Brazil, số ca bệnh mới đang tăng nhanh chóng mặt và hệ thống y tế đang bị quá tải.

Chiều tối 16/5, COVAX Facility đã chuyển giao lô vaccine phòng COVID-19 thứ 2 cho Việt Nam. Toàn bộ lô vaccine với gần 1,7 triệu liều được chuyển tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương bảo quản, chờ kiểm định trước khi phân phối cho các tỉnh triển khai tiêm đợt 3.
Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin