Bệnh nhân suy thận mạn nên đặc biệt chú trọng tiêm phòng vaccine.
Bước tiến mới trong làm chậm tiến triển bệnh thận mạn tại Việt Nam
Bạn cần biết gì về mối liên hệ giữa suy tim và bệnh thận?
Hơn 10 triệu người Việt mắc bệnh thận mạn, đa phần phát hiện muộn
Những điều cần biết dành cho người mắc bệnh thận mạn tính
Các thống kê gần đây của ngành y tế cho thấy Việt Nam có hơn 8,7 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% số người trưởng thành. Số ca mắc mới mỗi năm lên đến 8.000 và số bệnh nhân cần điều trị lọc máu do tiến triển của bệnh thận mạn, lên đến khoảng 800.000 người.
Tiến sĩ Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân suy thận mạn là đối tượng dễ tổn thương trước các bệnh nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy yếu. Việc tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều không chỉ giúp họ tránh biến chứng nguy hiểm mà còn nâng cao chất lượng sống.
Bệnh thận mạn gây suy giảm miễn dịch trầm trọng, khiến cơ thể khó chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi nhiễm trùng, họ dễ rơi vào tình trạng nặng, phải nhập viện, thậm chí tử vong. Bệnh nhân chạy thận nếu mắc cúm có nguy cơ viêm phổi cao gấp 3-4 lần người bình thường. Vì vậy, vaccine chính là “lá chắn” giúp giảm tỷ lệ biến chứng, kéo dài tuổi thọ và tiết kiệm chi phí điều trị.
Bác sĩ Nghiêm Trung Dũng phân tích, có 6 loại vaccine quan trọng người mắc bệnh thận mạn cần ưu tiên tiêm gồm: vaccine cúm mùa (tiêm hàng năm); vaccine phế cầu: Phòng viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết; vaccine phòng viêm gan B: Tiêm sớm từ giai đoạn 4-5 của bệnh thận, liều gấp đôi và theo dõi đáp ứng kháng thể; vaccine COVID-19: Đủ liều cơ bản + tiêm nhắc; vaccine Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván: Nhắc lại mỗi 10 năm; vaccine Zona: Chỉ dùng vaccine tái tổ hợp (Shingrix), tránh vaccine sống (Zostavax).

Những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn nên dùng vaccine bất hoạt hoặc tái tổ hợp, tránh dùng vaccine sống
Với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, cần tiêm sau lọc máu để tránh thất thoát vaccine qua màng lọc. Tuyệt đối không tiêm vào tay có đường mạch máu (AVF/AVG). Người lọc màng bụng nên tiêm sớm, ưu tiên trước khi bắt đầu lọc. Đặc biệt, tránh vaccine sống (sởi, thủy đậu, Zostavax) vì chúng có thể gây bệnh trên người suy giảm miễn dịch.
Theo bác sĩ Dũng, việc đáp ứng miễn dịch ở nhóm bệnh nhân suy thận mạn thường thấp hơn, nhưng không có nghĩa vaccine vô dụng. Như khi tiêm vaccine cúm giúp bệnh nhân giảm 40-60% nguy cơ nhập viện. Với viêm gan B, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân xét nghiệm định lượng kháng thể sau tiêm để quyết định tiêm nhắc. Điều quan trọng là phải tiêm đúng lịch, đủ liều.
Chuyên gia cũng lưu ý, người bệnh thận mạn nên dùng vaccine bất hoạt hoặc tái tổ hợp, tránh dùng vaccine sống. Thời điểm tiêm đối với bệnh nhân bệnh thận mạn đang điều trị thay thế:
- Bệnh nhân thận nhân tạo chu kỳ: Tiêm sau lọc máu để tránh thất thoát vaccine qua màng lọc. Tránh tiêm vào tay có AVF/AVG
- Bệnh nhân lọc màng bụng: nên tiêm vaccine sớm.
"Đừng chủ quan! Nhiễm trùng có thể là “giọt nước tràn ly” khiến chức năng thận suy sụp nhanh chóng. Hãy coi tiêm chủng như một phần trong phác đồ điều trị. Ghi chú lịch tiêm, báo ngay cho bác sĩ nếu có phản ứng bất thường sau tiêm. Sức khỏe của bạn phụ thuộc vào hành động hôm nay!" - BS. Dũng khuyến cáo.
Bình luận của bạn