Những điều cần biết dành cho người mắc bệnh thận mạn tính

Câu lạc bộ người bệnh thận do Trung tâm Thận tiết niệu - Lọc máu và Phòng Công tác xã hội luôn hỗ trợ các bệnh nhân

Một số loại thuốc điều trị suy thận hiện nay

Nhận biết 6 triệu chứng suy thận mạn thường gặp

Những lưu ý trong quá trình điều trị suy thận mạn

Suy thận mạn nguy hiểm thế nào?

Tại buổi sinh hoạt, TS.BS Lê Thị Phượng, Trung tâm Thận tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mạn như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận mạn, sỏi tiết niệu, viêm đài bể thận, bệnh thận đa nang, do hệ lụy của lạm dụng thuốc hoặc do bẩm sinh - di truyền…

Khi bị bệnh thận có thể sẽ dẫn đến suy thận mạn, nhiều chất độc không được đào thải gây tích tụ khiến người bệnh chán ăn, buồn nôn, nôn, nặng có thể hôn mê. Việc ứ đọng muối - nước khiến người bệnh bị phù, cao huyết áp, nguy cơ dẫn đến suy tim. Suy thận cũng dẫn đến việc thiếu máu làm cho da bệnh nhân bị xanh xao, nhợt nhạt và thần sắc mệt mỏi… Suy thận mạn có thể có các biến chứng như: Phù phổi cấp, tăng kali máu, rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim…

Theo bác sĩ Phượng, khi bị suy thận giai đoạn cuối có ba phương pháp điều trị, đó là: Ghép thận; thận nhân tạo và lọc màng bụng.

Buổi sinh hoạt đã thu hút sự quan tâm và thảo luận hết sức tích cực của những người tham gia

Buổi sinh hoạt đã thu hút sự quan tâm và thảo luận hết sức tích cực của những người tham gia

Trao đổi về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh mắc bệnh thận mạn tính, bác sĩ Trần Thị Hiền, Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đối với những người bệnh suy thận mạn cần phải điều trị bảo tồn, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học sẽ giúp kiểm soát và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn.

Tùy theo mức độ suy thận và cân nặng, chiều cao của người bệnh mà các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn sẽ khác nhau. Cần phải có chế độ ăn giảm đạm, mức độ giảm tùy theo độ suy thận, giảm lượng đạm nhưng vẫn cần cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Gạo tẻ, gạo nếp chỉ nên ăn từ 100-150g/ngày, thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu năng lượng ít đạm như khoai lang, miến dong, bột sắn và các loại rau ít đạm như bầu, bí xanh, mướp, rau họ cải…

Bác sĩ Hiền đặc biệt nhấn mạnh, người bệnh cần giảm muối dưới 5g/ngày. Những thực phẩm chứa nhiều muối bao gồm:

- Các loại thực phẩm lên men: Dưa muối, cà muối, dưa chuột muối, kiệu…

- Các loại thịt, cá chế biến sẵn: Thịt xông khói, giò, chả, ruốc, xúc xích…

- Lượng muối cũng có nhiều trong các loại súp, nước dùng, nước sốt: Nước phở, nước bún cá, nước bún riêu cua...

- Các loại mì ăn liền, pizza.

- Đồ ăn vặt: Bim bim, hạt điều rang muối, bánh gạo, bỏng ngô…

Bên cạnh đó, người mắc bệnh thận mạn nên hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều kali và phospho. Những thực phẩm giàu kali bao gồm các loại trái cây: chuối, mít, bơ vỏ xanh, nhãn khô, vải khô, nho mơ, mơ khô…; các loại hạt khô: hạt sen khô, hạt dẻ khô, đậu tương, vừng; các loại rau: rau dền cơm, lá lốt, rau khoai lang, rau dền đỏ, măng tre, măng chua, giá đậu tương… Những thực phẩm giàu phospho gồm: lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, phomai, thức ăn khô: tôm khô, tép khô, thịt bò khô…

Với bệnh nhân đã phải lọc máu, đặc biệt cần lưu ý việc hạn chế uống nước và ăn các loại thức ăn có nhiều kali, phospho… những chất này nếu tăng sẽ gây nhiều biến chứng cho người bệnh đang lọc máu.

 
Việt An (Theo BV Bạch Mai)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn